Biệt thự Mai Phương khi vẫn còn thuộc sở hữu của gia đình Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: Mạnh Quân
Nội dung trên được nêu trong bản cáo trạng vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).
Theo bản cáo trạng thì ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN) và ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) cùng 10 bị can khác (gồm nhiều cựu lãnh đạo và nhân viên PVB) cùng bị truy tố do có những sai phạm trong dự án Ethanol Phú Thọ.
Nhưng đáng chú ý, bản cáo trạng cũng đã nêu rõ những thủ đoạn của Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong việc dùng tiền dự án mua 3.400m2 đất rồi chuyển nhượng vòng vèo để hưởng lợi cá nhân.
Một góc khác khu biệt thự, ảnh: Mạnh Quân
Trịnh Xuân Thanh đã mua đất rồi sang tên cho bố đẻ như thế nào?
Trước khi vụ việc trên được khởi tố, từ năm 2016, phóng viên báo Dân trí đã có loạt bài điều tra về biệt thự xa hoa của Trịnh Xuân Thanh xây dựng và thường xuyên đưa gia đình, bạn bè lên sinh hoạt tại ngôi nhà này. Đây là ngôi biệt thự 3 tầng, khá qui mô trên đỉnh núi Tam Đảo có đầy đủ tiện ích: Bể bơi, phòng chiếu phim, phòng ngủ, khu luyện tập thể thao...thuộc loại cao cấp nhất ở thị trấn du lịch Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Sổ đỏ của thửa đất 3.400 m2 đứng tên ông Trịnh Xuân Giới, bố đẻ Trịnh Xuân Thanh
Biệt thự nằm ở địa thế tuyệt đẹp, có tầm nhìn bao quát toàn thị trấn Tam Đảo và những ngày trời trong có thể trông xa tới Hà Nội. Ngoài việc được trang bị nội thất cao cấp, gần như toàn bộ nhập khẩu, biệt thự còn có diện tích rất rộng trồng nhiều loại cây quý. Người dân ở thị trấn Tam Đảo vẫn hay gọi đó là biệt thự Mai Phương. Có nhiều người thì gọi đó là tòa nhà dầu khí.
Theo điều tra của Dân trí, vào thời điểm năm 2009, Trịnh Xuân Thanh khi đó đang là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC)- đơn vị thuộc PVN đã yêu cầu ông Đỗ Văn Hồng, giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đào Viên thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc). Sau đó, PVC ký hợp đồng với PVC Kinh Bắc về việc thi công một số hạng mục thuộc dự án Nhà máy Polyester Đình Vũ - Hải Phòng.
Giấy tờ mua bán do ông Giới ký tên. Ảnh: Mạnh Quân
Nhưng ngoài dự án trên, trả lời phóng viên Dân trí, ông Đỗ Văn Hồng cho biết, Trịnh Xuân Thanh có nhờ ông này khảo sát, mua lô đất 3.400 m2 tại Tam Đảo. Tuy nhiên, tiền mua thì lại do PVC giao cho PVC Kinh Bắc tạm ứng 25 tỉ đồng để mua đất. Sau đó, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu đất trên cho PVC Kinh Bắc.
Trịnh Xuân Thanh tham nhũng nhưng vẫn cù nhầy không trả hết
Tuy nhiên, trên thực tế, chính ông Đỗ Văn Hồng thừa nhận với phóng viên Dân trí là mảnh đất trên là của nhà ông Trịnh Xuân Thanh vì chính ông Thanh đã yêu cầu ông này chuyển nhượng lại cho mình với giá 23,8 tỷ đồng. Và thực tế, Thanh đã lập ra một công ty tư nhân tên là Công ty Mai Phương và nhờ ông Trịnh Xuân Giới, một cán bộ trong cơ quan Đảng đã về hưu ở thời điểm đó, chính là bố đẻ của Thanh để đứng tên sở hữu, là, Chủ tịch Công ty và ký các giấy tờ mua bán đất trên với ông Đỗ Văn Hồng.
Kết luận điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sau này cũng đã nêu rõ quá trình như trên và cho thấy tất cả những thông tin Dân trí nêu là đúng. Đáng chú ý, trong cáo trạng có ghi rõ: Trịnh Xuân Thanh đã lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT PVC, có sự chi phối ảnh hưởng đến hoạt động của PVC Kinh Bắc nên chỉ trả tiền mua thửa đất trên là 20,8 tỉ còn 3 tỷ đồng nữa không trả. Đến nay trên hệ thống sổ sách kế toán của PVC Kinh Bắc vẫn hạch toán số tiền 3 tỷ đồng là khoản phải thu của Công ty Mai Phương.
Hóa đơn chuyển tiền cho thấy Công ty Mai Phương còn thiếu tiền trả. Ảnh: Mạnh Quân
Ngoài ra, sau khi nhận chuyển nhượng từ PVC Kinh Bắc, ông Trịnh Xuân Giới tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ công ty Mai Phương gồm cả thửa đất trên cho vợ của Trịnh Xuân Thanh là bà Trần Dương Nga. Đến tháng 6-2016, vợ của Trịnh Xuân Thanh tiếp tục chuyển nhượng công ty cho ông Kiều Đào Lâm (trú tại Vĩnh Phúc) với giá 45 tỷ đồng.
Cho đến cuối năm 2017, khi phóng viên Dân trí trở lại khảo sát khu vực biệt thự trên thì biệt thự này đã bị cơ quan điều tra kê biên. Khoảng giữa năm 2018 thì quyết định kê biên bị hủy bỏ nhưng cơ quan chức năng vẫn yêu cầu Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cùng các cơ quan liên quan cho ngừng việc giao dịch, mua bán lô đất và khối tài sản trên đất ở khu vực trên.
Mạnh Quân