Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cập nhật ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc uỷ ban này.
Tại báo cáo này, Uỷ ban cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc dẫn đến nhiều hoạt động sản xuất, du lịch, dịch vụ phải tạm dừng. Đồng thời, doanh nghiệp còn chịu tác động của cuộc chiến tranh thương mại, giảm giá dầu lửa giữa một số quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp đang chịu tác động kép bởi những tình hình nói trên.
Theo số liệu báo cáo, dự kiến doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong 3 tháng đầu năm giảm khoảng 27.376 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, có 7 trong tổng số 19 tập đoàn, tổng công ty đã bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ khoảng 3.728 tỷ đồng. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được cho là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Chi tiết, Vietnam Airlines lỗ 2.383 tỷ đồng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lỗ 572 tỷ đồng; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) lỗ 440 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ 111,3 tỷ đồng; Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) lỗ 97 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lỗ 100 tỷ đồng.
Uỷ ban dự kiến, cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không hồi phục, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. Trong đó, sẽ có 8 trên 19 tập đoàn, tổng công ty bị thua lỗ với tổng số lỗ khoảng 26.324 tỷ đồng, theo đó, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.
Trong đó, do tác động từ cuộc chiến thương mại, giảm giá dầu lửa, nguồn thu NSNN từ dầu thô của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể giảm khoảng từ 3.111 tỷ đồng đến 18.600 tỷ đồng tuỳ theo mức độ phục hồi của giá dầu thế giới.
Tuy nhiên, Uỷ ban cũng đánh giá, việc giảm giá xăng, dầu (nguyên liệu chính của các doanh nghiệp vận tải, nhiệt điện khí…), đối với một số ngành lại là thuận lợi để giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ dầu ra, mang lại yếu tố tích cực cho nền kinh tế.
Trong báo cáo này, Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra nhiều kiến nghị với Thủ tướng để tháo gỡ khó khăn cho các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc.
Cụ thể, đề nghị Bộ Tài chính, Công Thương xem xét phương án giảm thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón, xăng dầu sản xuất trong nước để Vinachem và PVN có thể xuất khẩu các sản phẩm này, giảm lượng tồn kho, tăng vốn lưu động.
Đồng thời, xem xét miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường các sản phẩm xăng, dầu trong năm 2020 cho các doanh nghiệp vận tải như Vietnam Airlines, Vinalines, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…
Uỷ ban đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước xem xét khoanh nợ gốc, kéo dài thời hạn vay của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong gian dịch, được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ. Tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động và duy trì hạn mức vay vốn lưu động để đảm bảo hoạt động sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước được đề nghị sớm có hướng dẫn về trình tự, thủ tục khơi thông nguồn vốn, để các tập đoàn, tổng công ty sớm tiếp cận được gói hỗ trợ tín dung 250.000 tỷ đồng, thời hạn cho vay tối thiểu 3 năm, lãi suất 0% phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động.
Uỷ ban đề nghị Bộ Tài chính xem xét phương án giảm thuế VAT, lùi thời hạn nộp thuế, miễn giảm khoản chậm nộp tiền thuế, tiền thuế đất bị truy thu, giảm thuế TNDN và các khoản đóng góp ngân sách để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm với một số dự án yếu kém ngành công thương…
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được đề nghị xem xét giảm tối thiểu 50% phí đoàn viên, điều chỉnh thời điểm đóng phí công đoàn phù hợp. Còn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được đề nghị xem xét miễn, giảm BHXH, BH thất nghiệp và các quỹ bảo hiểm liên quan đối với các doanh nghiệp, chứ không chỉ là giãn, hoãn thời gian nộp.
Có chế độ hỗ trợ, trợ cấp đối với người lao động không có việc làm, giảm thu nhập do dịch, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, nông, lâm nghiệp, khai khoáng, vận tải… là những ngành có nhiều lao động thu nhập thấp, hoạt động ở những địa bàn kinh tế khó khăn hoặc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.
Mai Chi