Sự việc nói trên xảy ra với chuyến bay mang số hiệu KE686 tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), sáng 20/5.
Máy bay của Hãng hàng không Korean Air (Ảnh: Như Quỳnh)
Theo đó, khoảng 8h sáng, cơ trưởng của Hãng hàng không Korean Air điều khiển máy bay lăn từ sân đỗ ra đường băng, chuẩn bị khởi hành đi Incheon (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, khi máy bay lăn tới đầu đường băng thì cơ trưởng bất ngờ phát hiện có rất nhiều chim én đang đậu tại khu vực chạy đà, cất cánh.
Sự việc ngay lập tức được báo tới cơ quan điều hành, khai thác cảng hàng không. Trực ban trưởng sân bay Tân Sơn Nhất phải cho người ra khu bay kiểm tra, xác định khu vực 2 lề cỏ đầu đường cất-hạ cánh 25L (đoạn từ S1 đến S4) có nhiều chim én.
Trước tình hình này, nhà chức trách sân bay đã quyết định tạm dừng khai thác đường cất-hạ cánh 25L để tổ chức xua đuổi chim, đảm bảo an toàn.
Cùng đó, chuyến bay KE686 được chuyển hướng khai thác, phi công thực hiện chuyển đổi phương án, điều khiển máy bay lăn qua đường cất-hạ cánh 25R và khởi hành đi Hàn Quốc.
Khoảng gần 10h sáng cùng ngày, việc xua đuổi chim mới hoàn tất đảm bảo khai thác, đường cất-hạ cánh 25L được đưa vào khai thác lại bình thường, không gây ảnh hưởng hoạt động bay tại Tân Sơn Nhất.
Trước đó, chiếc Airbus 350 của hàng không Đài Loan (Trung Quốc) sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất đã được thợ máy kiểm tra kỹ thuật và phát hiện vỏ máy bị thủng to tới 30cm nghi do va chạm với chim, nhưng không xác định được địa điểm và thời gian chim va vào máy bay.
Được biết, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh. Thời gian qua, đơn vị khai thác cảng hàng không đã áp dụng nhiều phương pháp đuổi chim bằng các loại máy có sóng nhưng chưa thực sự hiệu quả.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nguy hiểm nhất là nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300-500 m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được.
Châu Như Quỳnh