Kết luận vội vàng của lãnh đạo cơ quan QLTT đã khiến Con Cưng gặp không ít khó khăn
Bộ Công Thương: Con Cưng có vi phạm nhưng không buôn lậu, không làm giả
Căn cứ vào kết quả kiểm tra đối với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa và các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty, Đoàn kiểm tra đánh giá: về cơ bản công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy hồ sơ nhập khẩu của công ty hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.
Đáng nói, Con Cưng không hề có vi phạm nào trong 7 điểm mà lãnh đạo Cục Quản lý thị trường từng họp báo và công bố. Có chăng, lỗi mà doanh nghiệp mắc phải phát hiện được sau 192 vụ kiểm tra đó là khuyến mãi quá hào phóng cho người tiêu dùng.
Giữa bê bối vụ Con Cưng, Cục phó quản lý thị trường nhận quyết định nghỉ hưu
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường sinh năm 1958 sẽ chính thức nghỉ hưu vào ngày 1/10/2018. Ông Tín nghỉ hưu theo đúng quy định về độ tuổi công tác và được cho là đã hoàn thành nhiệm vụ của mình sau nhiều năm cống hiến cho ngành Quản lý thị trường.
Mặc dù việc nghỉ hưu của ông Tín là đúng chế độ nhưng dễ gây thắc mắc, nhất là sau bê bối vụ nghi doanh nghiệp Con Cưng bán hàng nhái, hàng giả.
Cụ thể, tại cuộc họp báo hôm 31/7 tại Văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), ông Nguyễn Trọng Tín, khẳng định: “Con Cưng có 7 sai phạm và sai phạm đã rõ”.
7 lỗi gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin.
Có Giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức. Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.
"Với 7 hành vi này là đủ để Con Cưng bị xử lý rồi, còn có xử lý hình sự hay ở mức nào chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ. Hiện nay Cục QLTT đã phân công 17 đồng chí đang là ở TP HCM, chúng tôi sẽ làm rõ", ông Tín nhấn mạnh như vậy, tại cuộc họp báo.
Trong một số trường hợp, bán xôi sáng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn đầu tư kinh doanh "hoành tráng"
Ba lần khởi nghiệp làm lớn, “đốt” tan 2 tỷ đồng lại quay về bán xôi
Đây là chia sẻ của bạn Dương Ngọc Mai trên Vietnamnet và đã “tạo sóng” dư luận. Vụ khởi nghiệp đầu tiên là học cắt tóc rồi mở tiệm vì bản thân là người khéo tay. Học nghề 300 triệu, mở tiệm hết 200 triệu, nhưng duy trì được vài tháng thì dẹp tiệm vì không có khách.
Kết hôn được nửa năm, thấy bạn bè kinh doanh cà phê khá ổn, thu nhập đều đặn vài chục triệu mỗi tháng, lại sống ở thị trần khá sầm uất, Mai xin hẳn bố mẹ 1 tỷ đồng để đầu tư mở quán. Song, điều chưa tính đến tại thị trấn là người dân không có thói quen uống cà phê sáng nên quán chỉ đông vào dịp cuối tuần. Hoạt động được nửa năm, trừ 2 ngày thứ 7 và chủ nhật tạm gọi là đông khách, hòa vốn và có tý lãi, những ngày thường toàn phải bù lỗ. Lay lắt được 2 tháng, Mai quyết định sang nhượng toàn bộ quán, thu lại chưa đầy 200 triệu đồng.
Sinh con được hơn một năm, Mai lại tính góp vốn với bạn để mở shop thời trang. Hí hửng chưa được bao lâu, một lần nữa chấp nhận thất bại thảm hại do chậm cập nhật theo xu hướng, hàng không mua được tận gốc phải qua nhiều mối, giá không cạnh tranh được với những shop bán hàng online.
Vậy là 3 lần “khăn gói” khởi nghiệp kinh doanh, Mai “đốt” của bố mẹ khoảng 2 tỷ đồng và không còn ý định kinh doanh gì thêm nữa vì sợ thất bại. Thế nhưng, bất ngờ là khi quyết định mở hàng xôi bán ở cổng trường, dậy 4 giờ sáng đồ xôi, chỉ 2 tiếng là bán hết, mỗi tháng Mai lại lãi được hơn chục triệu.
Mai nhận ra: Không nhất thiết phải kinh doanh lớn, đầu tư nhiều tiền mới là kinh doanh, quan trọng nhất là công việc đó phải phù hợp với khả năng của mình.
Tính sai, thu thừa chục tỷ tiền phí, dân đi ô tô thêm tốn kém
Báo cáo của Đoàn kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính cho hay, trong số hơn 80 loại phí, lệ phí, Lạng Sơn bị phát hiện thu thừa nhiều khoản phí lệ phí, chưa nộp vào ngân sách một số khoản.
Đáng chú ý, Lạng Sơn thu lệ phí không còn trong danh mục được thu từ ngày 1/1/2017. Cụ thể là, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh vận tải ô tô. Khi kiểm tra tại Sở Giao thông vận tải và huyện Cao Lộc, đoàn kiểm tra thấy các đơn vị thu hơn 32 triệu đồng.
Việc thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống tỷ lệ 12% được cho “là chưa đúng” với quy định tại Nghị định 140 và thông tư 301 của Bộ Tài chính về lệ phí trước bạ. Điều này giúp Lạng Sơn thu được gần 70 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2017. Đoàn kiểm tra tính ra rằng việc thu cao hơn mức 10% theo quy định đã khiến Lạng Sơn thu thêm được là hơn 11,4 tỷ đồng.
Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay Trung Quốc bị đội vốn, kéo dài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo: Vay vốn Trung Quốc "cần xem xét và cân nhắc"
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại (ODA) và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018 đến 2020, tầm nhìn 2025 trình Thủ tướng, trong đó đáng chú ý, Bộ này đề nghị cân nhắc việc vay vốn từ Trung Quốc.
Vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm. Song tín dụng ưu đãi của Trung Quốc chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ.
Một số dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.
"Choáng" với mức đội vốn đầu tư của hàng loạt dự án đường sắt đô thị
Một báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gửi tới Chính phủ và các bộ ngành khác mới đây cho thấy, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị.
Điển hình như Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống còn 33.568 tỷ đồng.
Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TPHCM tuyến 1, đoạn Bến Thành - Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.
Đặc biệt, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông tăng từ 8.769 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng. Hay như dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay Pháp, ADB, EIB tăng tổng mức đầu tư từ 783 triệu EUR lên 1.176 triệu EUR.
Nghi vấn có trục lợi trong quá trình thoái vốn tại Gang thép Thái Nguyên
Thanh tra Chính phủ vừa nhận được yêu cầu xác minh đơn thư phản ánh dấu hiệu trục lợi trong quá trình thoái vốn tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Theo phản ánh này, TISCO đang có rất nhiều lợi thế như thương hiệu tốt, thị phần rộng, nguồn nguyên liệu lớn, tài nguyên đất nhiều và nhân lực lại có trình độ cao. Sản phẩm gang thép được sản xuất từ nhà máy này có chất lượng không thua kém bất cứ sản phẩm nào cùng loại đang chào bán trên thị trường. Vì thế, câu hỏi đặt ra là với chừng đó lợi thế, tại sao TISCO không phát huy được mà vẫn chìm trong nợ nần và thua lỗ?
Thông tin phản ánh cho rằng, không loại trừ về khả năng việc hoạt động kém hiệu quả là do lỗi chủ quan, lỗi của nhóm người đang có ý đồ thâu tóm mua TISCO với giá rẻ mạt nên cố tình làm cho doanh nghiệp làm ăn bê bết, kém hiệu quả và thua lỗ.
Doanh nghiệp xin tiếp tục nhập phế liệu để đón "cơ hội trăm năm mới có một lần"
Một doanh nghiệp nhập khẩu nhựa phế liệu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép các công ty có giấy phép do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp được gia hạn thêm 6 tháng cuối năm 2018 để giải phóng hàng tồn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất.
Công ty cho rằng, thực chất Tổng cục Hải quan đã hiểu sai, mặt hàng đã qua sử dụng nói trên để đóng gói và làm màng phủ trong nông nghiệp, đương nhiên nó là mặt hàng tiêu dùng thông thường chịu sự quản lý của Bộ Công Thương, không chịu quản lý chuyên ngành của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đồng thời đề nghị cơ quan chức năng thay đổi phương pháp quản lý theo hướng sử dụng giải pháp “dễ dàng đầu vào, siết chặt đầu ra” như Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Malaysia đang làm. Điều này có nghĩa là tạo điều kiện cho nhập khẩu phế liệu hầu hết các chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng quản lý chặt đầu ra là nước thải và khí thải của nhà máy tái chế.
Hiệp hội taxi đặt nghi vấn về khả năng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể "bị qua mặt"
Cho rằng ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu ngành Giao thông – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã không được Ban soạn thảo Nghị định quản lý về điều kiện kinh doanh đối với taxi quán triệt và tiếp thu, Hiệp hội Taxi của 3 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng đồng loạt có tâm thư gửi Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.
Trong bức “tâm thư” gửi Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, các hiệp hội taxi này chỉ ra 10 điểm bất thường để khẳng định rằng “Bộ GTVT đã đánh giá không trung thực kết quả thí điểm xe hợp đồng điện tử từ 9 chỗ trở xuống (Grab, Uber)”. Để xảy ra những sai lầm, đánh giá không trung thực này, trách nhiệm thuộc về Vụ Vận tải”.
Tâm thư này cũng nhấn mạnh: “Với tờ trình Chính phủ của Bộ GTVT mà Ban soạn thảo Nghị định chấp bút thì chúng tôi lo ngại có thể những chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT cũng như những nội dung đề nghị của các Hiệp hội Taxi sẽ bị bỏ qua và Nghị định nếu được ra đời thì tình hình vận tải hành khách bằng xe 9 chỗ trở xuống có thể sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn không thể quản lý nổi và sẽ gây hậu quả rất lớn…”.
Bích Diệp (tổng hợp)