Cục Hải quan Bắc Ninh dẫn 2 văn bản khẳng định Tenma là doanh nghiệp chế xuất, không phải chịu thuế VAT. Điều này được cho có thể làm rõ hơn việc Tenma đã khai hối lộ quan chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để tránh phải nộp thuế VAT 400 tỷ đồng tại các cơ quan chức năng của Nhật Bản.
Báo cáo nhanh của Cục Hải quan Bắc Ninh về vụ việc liên quan đến nghi án Tenma đưa hối lộ cho quan chức Việt Nam
Theo văn bản số 795 báo cáo nhanh của Cục Hải quan Bắc Ninh gửi Thanh tra Bộ Tài chính về vụ nghi vấn Tenma khai hối lộ quan chức Việt Nam 5,4 tỷ đồng để được trốn khoản thuế VAT 400 tỷ đồng.
Cụ thể, Hải quan Bắc Ninh cho biết, từ năm 2017 đến nay, đơn vị này chỉ thực hiện 01 cuộc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam (theo Quyết định kiểm tra số 356/QĐ-HQBN ngày 5/6/2017 của Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh).
Theo đó, căn cứ đề xuất kiểm tra dựa trên cơ sở danh sách giao kế hoạch để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan năm 2017 của Tổng cục hải quan (Quyết định số 75/QĐ-TCHQ ngày 10/3/2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan), đợt kiểm tra này không phải là trường hợp kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm.
Cục Hải quan Bắc Ninh cho biết, việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam được thực hiện đúng theo quy trình kiểm tra sau thông quan ban hành kèm theo Quyết định số 1410/QĐ-TCHQ ngày 15/5/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và dựa trên các quy định pháp luật về hải quan và quản lý thuế.
Kết quả kiểm tra, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra chưa phát hiện Công ty Tenma có vi phạm pháp luật về hải quan và đánh giá Công ty Tenma tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hải quan, pháp luật thuế.
Cục Hải quan Bắc Ninh khẳng định: "Tại các biên bản kiểm tra đều ghi nhận trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra không sử dụng hay làm mất mát, hư hỏng tài sản của Tenma. Không gây cản trở hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiệp vụ của công ty".
Đơn vị này cho biết, các hồ sơ kiểm tra sau thông quan đối với Công ty TNHH Tenma Việt Nam vẫn đang được lưu giữ đầy đủ và đúng quy định tại đơn vị.
Nói về thông tin phản ánh trên báo chí của Nhật Bản, Cục Hải quan Bắc Ninh báo cáo: "Ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục Hải quan Bắc Ninh đã nghiêm túc kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan đối với đoàn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở công ty Tenma Việt Nam".
"Trước, trong và sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra cam kết không lợi dụng quyền hạn, không gây khó khăn phiền hà, không đòi hỏi và nhận bất kỳ lợi ích cá nhân gì khác đối với công ty", Cục Hải quan Bắc Ninh phân trần.
Theo cơ quan này, trong quá trình kiểm tra, xác minh thông tin, Cục Hải quan Bắc Ninh khẳng định: "Không có cơ sở để kết luận việc công ty được miễn khoản truy thuế giá trị gia tăng hay bất kỳ khoản thuế, phí nào đối với mặt hàng nhập khẩu và thông tin hối lộ tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã phản ánh".
Cục Hải quan Bắc Ninh cho rằng lý do dẫn đến khẳng định trên là bởi: "Công ty Tenma Việt Nam là doanh nghiệp chế xuất (vốn đầu tư Nhật Bản), hàng là nguyên liệu, vật ưu, máy móc thiết bị của doanh nghiệp chế xuất không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật".
Đơn vị này dẫn các văn bản pháp luật liên quan như Khoản 4, Điều 2, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định “Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu thuế quan khác" thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Tại Khoản 20, Điều 4, Thông tư 219/TT-BTC quy định: "Hàng hóa dịch vụ được mua bán giữa nước ngoài với các khu phi thuế quan và giữa các khu phi thuế quan với nhau" thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
An Linh