Cao tốc hiện đại nhất Việt Nam “gánh” 800 tỷ đồng nợ phát sinh
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào khai thác cuối năm 2015
Để triển khai được Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì Nhà nước phải bàn giao mặt bằng sạch, nhưng do chưa có vốn nên Vidifi “ứng” trước hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm, dự án trọng điểm quốc gia này vẫn chưa được hoàn trả tiền giải phóng mặt bằng, riêng nợ phát sinh lên tới 800 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay vốn. Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt đã được gửi đi với các cam kết về thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án…
Vidifi cho biết, do phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản vay chưa được cấp nên tính đến cuối năm 2018 chi phí lãi vay phát sinh thêm do các khoản hỗ trợ của nhà nước chưa được thực hiện đã lên tới hơn 800 tỷ đồng. Nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản, không tái cơ cấu được dự án.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 9.231 tỷ đồng, Bộ KHĐT trần tình về ODA Trung Quốc
Sau nhiều lần lỡ hẹn, đường sắt Cát Linh-Hà Đông vẫn chưa hẹn ngày chính thức hoạt động. (Ảnh: Internet)
Kiểm toán Nhà nước cho hay, tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, việc điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia được thực hiện khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội.
Trong đó, Bộ GTVT đã lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng, tăng 9.231,6 tỷ đồng, tương đương 205,27%, khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh Dự án đầu tư.
Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn, gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, dự án Cát Linh - Hà Đông phải chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc 13.751 tỷ đồng chiếm 77% tổng mức đầu tư.
Từ bài học này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã đưa ra định hướng trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Cần có quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn dự án theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội: "Gây thất thoát nghìn tỷ đồng là tội đồ, tử hình cũng chưa đủ răn đe"
Quốc hội dành 1,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
Thảo luận tại Quốc hội sáng nay 30/5, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau Nguyễn Quốc Hận cho hay, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.
“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe , chưa bảo đảm công bằng cho xã hội", ông nhấn mạnh.
Đại biểu Hận cho rằng, với số tiền không bị thất thoát, tham nhũng thì sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.
"Ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời", ông Hận nói.
Kinh tế Việt Nam được dự báo sớm vượt Singapore
Chuyên gia Nguyễn Đức Thành
Hãng tin Bloomberg ngày 28/5 dẫn dự báo của ngân hàng DBS cho biết Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng từ 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm tới.
“Nếu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa ”, nhà kinh tế Irvin Seah tại Singapore dự đoán trong một bản nghiên cứu vừa công bố.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) cho rằng: Đây chỉ là con số, còn GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam mới chỉ bằng 1/20 của họ.
Diện tích của Việt Nam lớn hơn nhiều so với Singapore, đặc biệt là dân số Việt Nam hiện tại gấp nhiều lần so với Singapore. Diện tích của Việt Nam là 331.360 km2, trong khi đó diện tích của Singapore chỉ khoảng 721 km2, chỉ lớn hơn so với huyện đảo Phú Quốc của Việt Nam (hơn 574 km2), nhỏ hơn Bắc Ninh (tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam).
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, GDP bình quân trên người của Singapore năm 2018 đạt hơn 100.345USD mỗi năm (ước khoảng 2,3 tỷ đồng), đứng thứ 3 thế giới. Trong khi đó, GDP bình quân trên người của Việt Nam chỉ đạt hơn 2.540 USD (gần 60 triệu đồng), mỗi người, một năm.
Phó Thủ tướng: Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu sửa biểu giá điện
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Giải trình về giá điện trước Quốc hội chiều 30/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thế giới cũng như Việt Nam thường tính theo bậc thang. Còn nguyên nhân tăng giá điện đột ngột trong tháng 4 vừa qua được lý giải là do 3 nguyên nhân: giá điện tăng; số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng trước 3 ngày; và nhu cầu tăng cao do nắng nóng bất thường.
"Kết quả kiểm tra sơ bộ cách tính tiền điện của EVN chưa có sai phạm gì ", ông thông tin.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, sắp tới Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo bộ ngành liên quan tiết giảm chi phí, minh bạch chi phí đầu vào, hoàn thiện văn bản pháp luật, rà soát nghiên cứu thị trường bán lẻ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
"Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN sớm nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung biểu giá điện cho hợp lý, bảo vệ người thu nhập thấp nhưng cũng phù hợp nhu cầu hộ dân khi số sử dụng trên 200 kWh ngày càng tăng, đảm bảo hài hòa lợi ích người dùng", ông nói.
Đồng thời cho biết, Chính phủ cũng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận kiểm tra giá điện và xử lý nghiêm sai phạm nếu có. "Chúng tôi đã đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu đưa vào năm 2019 kế hoạch kiểm toán tài chính và chuyên đề về giá điện, EVN trong năm 2019", Phó Thủ tướng nói thêm.
Mai Chi (tổng hợp)