Văn bản đính chính của UBND tỉnh Khánh Hòa
Một văn bản, 4 lỗi chính tả ngớ ngẩn
Cụ thể, ngày 20/12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành văn bản 12910/UBND-KGVX (do ông Huỳnh Ngọc Bông - Chánh Văn phòng ký) gửi các Sở: Sở Kế hoạch và Đầu tư, , Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Xây dựng, Du lịch và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) thông báo đính chính 4 lỗi chính tả tại văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
"Do sơ xuất trong quá trình soạn thảo, nên văn bản có một số lỗi chính tả. Nay UBND tỉnh xin đính chính như sau: Tại trang 1, dòng thứ 9 (từ trên xuống): Bỏ cụm từ "xây dựng"; Tại trang 2, dòng thứ 7 (từ trên xuống): Sửa cụm từ "điều chình dự án" thành "điều chỉnh dự án"; Tại trang 2, dòng thứ 14 (từ dưới lên): Sửa cụm từ "chuyên chuyên" thành "chuyên môn"; Tại trang 2, dòng thứ 12 (từ dưới lên): Sửa cụm từ "cổ động sáng lập" thành "cổ đông sáng lập", văn bản trên cho biết.
Đây là một trong những văn bản chỉ đạo cấp tỉnh được làm có nhiều lỗi cẩu thả mà phải sửa đổi trong thời gian sớm nhất.
Nhưng nội dung sai vẫn chưa được sửa
Tuy nhiên, nội dung chính của văn bản- cấm chuyển nhượng dự án, và thay đổi cổ đông gây bức xúc cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khánh Hòa và nhiều luật sư cũng cho rằng, quy định đó là trái Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thì vẫn chưa được tỉnh này sửa đổi.
Cụ thể, tại văn bản số 12143/UBND-KGVX ngày 27/11/2018 do UBND tỉnh Khánh Hoà ban hành về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh do ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà ký, ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày 27/11/2018, có đoạn nêu:
" "Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách".
Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp tại tỉnh Khánh Hòa, thời hạn điều chỉnh đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp chỉ có 3 ngày. Mà theo chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh thì Sở Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến các sở ngành rồi báo cáo xin phép UBND tỉnh. Như vậy, việc chỉ đạo trên đã tạo thêm rào cản đối với việc thực thi Luật doanh nghiệp.
"Theo quy định, bên mua cổ phần phải thanh toán xong, nộp thuế xong thì mới nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư. Việc chờ tỉnh cho phép sẽ tạo nên rủi ro cho nhà đầu tư mua cổ phần. Thực tế công văn của tỉnh chặn đứng giao dịch mua bán cổ phần, kêu gọi vốn góp vào các công ty đang có dự án", đại diện một doanh nghiệp có dự án tại Nha Trang nói với Dân trí.
Giới luật sư cũng cho rằng, cần phải phân biệt rõ ràng giữa khái niệm sang nhượng dự án và quyền sang nhượng cổ phần. Lập luận rằng kiểm soát mua bán cổ phần để chống lại việc sang nhượng dự án là sai.
Một văn bản chi chít lỗi chính tả trước đó
Một chủ trương "lạc điệu"
Cũng có ý kiến cho rằng, văn bản trên của tỉnh Khánh Hòa chỉ nhằm khoanh vùng "các dự án có sai phạm", một luật sư cho rằng, giải thích đó cũng không ổn vì để xác định dự án có sai phạm thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa phải tổ chức thanh tra, chưa nói đến việc Luật đầu tư đã có cơ chế xử phạt hoặc thu hồi, thanh lý dự án sai phạm.
Cũng có một số ý kiến DN cho rằng, văn bản 12143/UBND-KGVX của tỉnh Khánh Hòa chỉ áp dụng với DN trong tỉnh còn DN ngoài tỉnh không bị điều chỉnh vì không làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh ở Sở KHĐT Khánh Hoà. Nhưng như vậy thì những DN đã xác định đầu tư lâu dài, có trụ sở tại Khánh Hòa sẽ bị thiệt hại.
"DN có thể có nhiều dự án khác nhau. Nếu chỉ một sự án nào đó có sai phạm thời hạn đầu tư thì mọi hoạt động khác theo Luật DN bị đóng băng. Văn bản của tỉnh Khánh Hòa cũng không có tác dụng đối với các công ty cổ phần có hơn 3 năm tuổi vì theo Luật DN, các công ty đó tự quản lý danh sách cổ đông. Hậu quả là các DN này phải chuyển trụ sở đăng ký kinh doanh khỏi tỉnh để thực hiện các hoạt động thu hút vốn , tăng vốn, thay đổi người đại diện mà theo luật là quyền đương nhiên của họ, họ chỉ đăng ký kinh doanh chứ không phải"xin phép", một luật sư phân tích. Luật sư này cũng cho rằng, hậu quả của việc này là DN phải tốn thêm chi phí, còn ngân sách địa phương thất thu và tỉnh có một môi trường đầu tư kinh doanh lạc điệu.