Cua ghẹ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam đạt 44,5 triệu USD, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các thị trường nhập khẩu cua ghẹ chính của Việt Nam lần lượt gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU).
Trước đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cua ghẹ lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu cua ghẹ bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường Trung Quốc trong 4 tháng qua đạt hơn 13 triệu USD, tăng gần 394% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường Nhật Bản cũng tăng trưởng tốt với mức tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,3 triệu USD trong 4 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu cua ghẹ sang thị trường Mỹ và EU giảm lần lượt là 18,3% và 17%.
Ghẹ Việt Nam cũng có chất lượng thịt thơm ngon.
Ngoài cua ghẹ thì chả cá và Surimi (chả cá đã loại bỏ xương) của Việt Nam cũng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 93 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Các thị trường nhập khẩu chả cá, Surimi hàng đầu của Việt Nam lần lượt gồm: ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Trong đó, xuất khẩu chả cá, Surimi sang ASEAN đạt 25,4 triệu USD, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, thị trường Trung Quốc vẫn có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực. Trong 4 tháng qua, Trung Quốc nhập khoảng 14,8 triệu USD chả cá và Surimi, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019.
Chả cá cũng là mặt hàng xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 4/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 2,23 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2019.
Từ tháng 3/2020, dịch Covid-19 bùng phát ở các nước EU và Mỹ khiến việc xuất khẩu thủy sản sang những thị trường này bị đình trệ.
Do vậy, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tiếp tục giảm 11% trong tháng 4 và giảm 10% trong tháng 5. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU cũng giảm 23% trong tháng 4 và giảm 21% trong tháng 5.
Theo VASEP, sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, từ tháng 3/2020 nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đã được phục hồi, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang nước này tăng liên tục: tăng 35% trong tháng 4 và tiếp tục tăng mạnh 20% trong tháng 5.
Trong khi đó, Nhật Bản ổn định nhu cầu nhập khẩu với giá trị nhập khẩu từ Việt Nam tăng liên tục qua các tháng đầu năm.
Trong tháng 5, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tăng 9% sau khi tăng 16% trong tháng 4. Dự kiến, Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản Việt Nam trong năm nay và sẽ bù đắp đáng kể cho sự sụt giảm tại các thị trường EU, Mỹ.
VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới sẽ dần hồi phục vì thị trường EU đã bắt đầu mở cửa thông thương trở lại từ tháng 5, nhu cầu sẽ tăng dần trong những tháng tới. Tuy nhiên, diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp tại Mỹ và một số nước khác nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thương mại thủy sản chung của toàn cầu.
Đại Việt