Fica
  1. Thời sự

Bảo lãnh Chính phủ cho nhà đầu tư PPP dung dưỡng nạn "tay không bắt giặc"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, việc bảo lãnh của Chính phủ như doanh thu tối thiểu, ngoại tệ, vốn vay cho nhà đầu tư PPP không chỉ gây rủi ro cho nền kinh tế mà còn dung dưỡng nạn "tay không bắt giặc".

Chia sẻ về chính sách pháp luật liên quan đến hình thức hợp tác công tư (PPP) mới đây, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, PPP qua hơn thập kỷ thực hiện đã giúp Việt Nam có nhiều công trình cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại.

Bảo lãnh Chính phủ cho nhà đầu tư PPP dung dưỡng nạn tay không bắt giặc - 1

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào bản chất PPP vẫn có những hạn chế, tồn tại, đặc biệt là nhiều quy định cứng nhắc, không mang tính thị trường.

"Phạm vi điều chỉnh và lĩnh vực đầu tư PPP không nên quy định cứng trong Luật PPP chỉ bao gồm giao thông, năng lượng, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, rác thải và y tế... mà cần xác định là hình thức đầu tư thay thế phần lớn hình thức đầu tư toàn bộ từ nguồn ngân sách ở các lĩnh vực, từ CSHT kinh tế đến CSHT xã hội", ông Ánh nói.

Ông này cho rằng, nên bỏ quy định quy mô vốn tối thiểu được áp dụng PPP bởi điều này nặng về cảm tính và kinh nghiệm quá khứ, gây nguy cơ chia nhỏ dự án hoặc ngược lại gộp dự án để không phải được vào PPP hoặc chủ động thực hiện PPP.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: Cần thận trọng khi đề xuất các nội dung về bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án PPP.

"Kể cả bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh vốn vay hay các loại bảo lãnh khác có thể phát sinh đến hình thức, hoạt động của doanh nghiệp dự án và các ưu đãi về đất đai khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào PPP", TS. Ánh cho biết.

Vị chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, việc bảo lãnh của Chính phủ cho nhà đầu tư dự án PPP, quy định hình thức doanh nghiệp đặc thù hay ưu đãi riêng về đất đai trong khi quy mô các dự án thường rất lớn, thời gian kéo dài và đặc biệt là chưa tách biệt nhà đầu tư dự án PPP với nhà khai thác dự án PPP (BOT) hoặc dự án đối ứng (BT) sẽ gây ra nhiều hệ lụy và rủi ro không chỉ cho các bên tham gia dự án mà còn cho cả nền kinh tế.

"Minh chứng là rủi ro tỷ giá, ngoại hối, rủi ro nợ công, rủi ro thị trường tài chính… dung dưỡng một số nhà đầu tư thiếu năng lực, thậm chí “tay không bắt giặc” và làm “méo mó” thị trường cũng như khoét sâu sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nói.

Về phương thức đổi đất lấy hạ tầng BT trong PPP, ông Ánh đề xuất nên thực hiện theo nguyên tắc tách rời chung cho PPP.

"Cần thực hiện đấu thầu dự án BT và thanh toán cho nhà đầu tư trúng thầu bằng tiền thu được từ bán đấu giá đất đối ứng thay vì nhà đầu tư dự án BT và người có quyền sử dụng đất đối ứng nghiễm nhiên là một và gần như hoàn toàn theo đề xuất của nhà đầu tư như hiện nay", Tiến sĩ Ánh nói.

Ông này nhấn mạnh: “Chính cơ chế hiện hành của BT là cội nguồn thất thoát ‘kép’ khi nhà đầu tư và nhà quản lý nhà nước liên kết với nhau để trục lợi, xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước và nhân dân”.

An Linh