Sáng 14/10, UB Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trước đó, nội dung này được xem là khó có khả năng kịp hoàn thành để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, sẽ bắt đầu vào đầu tuần tới, vì thời gian quá gấp mà có đến cả tạ tài liệu phải nghiên cứu, thẩm định. Do đó, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh giải thích, đến thời điểm này, báo cáo thẩm tra cũng mới chỉ xem xét được một số nội dung.
Trình bày tờ trình của Chính phủ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh vấn đề cần xin ý kiến Quốc hội là việc Chính phủ đã đồng ý để ACV là đơn vị chủ lực đầu tư, khai thác sân bay Long Thành.
Thực tế, ACV đang quản lý, khai thác tới 21 trên tổng số 22 sân bay tại Việt Nam (trừ sân bay quốc tế Vân Đồn do nhà đầu tư tư nhân đầu tư toàn bộ).
Lý do Chính phủ chọn ACV là vì vốn nhà nước đang chiếm 95% vốn của doanh nghiệp này và tới đây phần vốn nhà nước tiếp tục tăng lên đến gần 100%. Việc giao ACV đầu tư, khai thác được cho là phù hợp khi Tổng Công ty cũng đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không của cả nước.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, hiện ACV đã cân đối nguồn lực bố trí hơn 37% vốn, số còn lại huy động của các tổ chức tín dụng. Huy động chứ không phải hợp tác, vì sân bay quốc tế là không cổ phần hoá.
“Tổ chức nào làm cũng được nhưng nếu ACV làm thì an ninh an toàn, nhất là đảm bảo an toàn cho các nguyên thủ tốt hơn – Bộ trưởng GTVT thuyết phục.
Tuy nhiên, ông Thể cũng nhấn mạnh, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu (khoản 3 điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Do vậy, nếu giao ACV đầu tư, khai thác cảng, việc này cần phải được Quốc hội thông qua.
Tập trung xem xét vấn đề giao cho ACV trực tiếp đầu tư sân bay Long Thành khi thẩm tra tờ trình của chính phủ, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, thực chất việc này là chỉ định thầu, trong khi thực hiện theo luật là phải đấu thầu.
Ông Thanh băn khoăn: “Đây là thẩm quyền của Thủ tướng hay Quốc hội? Từ xưa đến nay Quốc hội chưa bao giờ giao cho doanh nghiệp nào đầu tư công trình nào cụ thể cả”.
Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra cũng đặt câu hỏi, hiện ACV còn đang quản lý, khai thác 21/22 cảng hàng không khác của cả nước thì không hiểu khả năng tài chính có đáp ứng được không?
Liên quan đến những vấn đề đặt ra, phụ lục tờ trình của Chính phủ khẳng định, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định không đấu thầu mà giao cho ACV trực tiếp đầu tư khai thác sân bay. Về cơ chế quản lý thì Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quản lý việc đầu tư của ACV theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Chính phủ cho rằng, việc ACV đầu tư, khai thác cảng sẽ giúp nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh an toàn tại cảng hàng không cửa ngõ quốc gia.
Theo Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Trường Giang, xét về mặt thẩm quyền, chỉ định thầu tức là làm khác luật thì phải trình Quốc hội là đúng. Nhưng ông Giang lưu ý là chỉ xin Quốc hội cơ chế chỉ định thầu chứ không phải xin cho doanh nghiệp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ phải báo cáo rất rõ chỉ định thầu thì ảnh hưởng đến các điều ước quốc tế và tính công khai minh bạch thế nào.
Phương Thảo