Tuần qua, giải trình về việc xây nhà hát 1.500 tỷ đồng của TPHCM, phát ngôn của một lãnh đạo ngành thuế cho rằng Việt Nam “có lẽ là một trong những thiên đường thuế”… cũng là những thông tin gây chú ý.
Nhiều loại máy móc, thiết bị Trung Quốc nhập vào Việt Nam ở nhà máy đạm Ninh Bình
Máy móc Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
Giá trị nhập khẩu máy móc, công nghệ và thiết bị Trung Quốc gia tăng ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại qua lại giữa Mỹ - Trung Quốc đang bước vào giai đoạn quyết liệt khi hai nước trả đũa lẫn nhau về các mặt hàng công nghệ, máy móc liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan cập nhật đến hết tháng 9/2018, cả nước chi hơn 24,6 tỷ USD nhập hàng máy móc, công nghệ và thiết bị nguồn cho công nghiệp, kim ngạch nhập khẩu giảm gần 90 triệu USD.
Điều đáng nói, trong 5 nước có kim ngạch nhập khẩu hàng máy móc lớn nhất vào Việt Nam, thì 4 nước còn lại đều giảm hoặc giữ ổn định, chỉ duy nhất kim ngạch nhập mặt hàng này từ Trung Quốc lại tăng 400 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.
Giải trình về xây nhà hát 1.500 tỷ đồng của TPHCM càng làm dư luận bức xúc
“TP.HCM cứ nói rằng họ có kế hoạch 20 năm về vấn đề xây dựng nhà hát rồi. Cách giải trình này chỉ làm bức xúc thêm dư luận. Trong khi đó căn cứ quyết định phải là hiệu quả đầu tư - điều mà dân chúng đòi hỏi, cũng như trước khi quyết định đầu tư cần phải cân nhắc rất kỹ” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bình luận.
Viện trưởng Cung khẳng định: Chi tiêu ngân sách đang là một trong những điểm yếu lớn của Việt Nam, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên và đầu tư công.
"Tăng thu ráo riết nhưng tăng chi không minh bạch. Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được đề xuất tăng kịch khung nhưng tăng chi cho khoản này vẫn chưa minh bạch, trong khi đây là vấn đề mà người dân quan tâm nhiều hơn", TS Cung khẳng định.
"Hay nguồn thu 5 tỷ USD từ việc bán cổ phần Sabeco sẽ chi cho những cái gì, đến nay vẫn chưa ai rõ. Người dân rất cần biết những khoản chi này được thực hiện như thế nào, ở đâu", ông Cung chỉ rõ.
Nhiệt điện Thái Bình 2: Ngân hàng ngừng giải ngân, dự án lo phải "đắp chiếu"
Báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gửi lên Bộ Công Thương mới đây đã hé lộ một số thông tin về thực trạng công tác thu xếp vốn, giải ngân của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - dự án vẫn được coi là “di sản” của ông Trịnh Xuân Thanh và nhiều lãnh đạo khác của PVN, PVC thời đương chức.
PVC đang ngày càng cạn kiệt nguồn lực
Đến nay các ngân hàng vẫn trì hoãn việc đàm phán để thống nhất dự thảo hợp đồng với lý do Ngân hàng Nhà nước đề nghị thẩm định lại dự án, thẩm định năng lực tổng thầu PVC, vụ kiện liên quan đến vi phạm của một số nguyên lãnh đạo…
PVN thừa nhận, mặc dù khối lượng công việc của dự án còn lại không nhiều (khoảng 17%) và dù chủ đầu tư/tổng thầu đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhưng chỉ mang tính ngắn hạn và không giải quyết triệt để các khó khăn về tài chính của dự án nên thực trạng ngày càng xấu.
“Nguồn lực của Tổng thầu PVC ngày càng cạn kiệt, các nhà thầu thi công trên công trường thiếu vốn, không thể huy động nguồn lực/kinh phí thực hiện, tiềm ẩn nguy cơ dự án tiếp tục chậm tiến độ, thậm chí không có khả năng hoàn thành, phát sinh chi phí và gây thiệt hại về kinh tế cho PVN, PVC nói riêng và cho nhà nước nói chung”, PVN cho biết.
Cách tính giá điện mới từ 26/10: Ai là người hưởng lợi?
Vừa rồi có bất cập là nhiều người lao động, sinh viên khi ở trọ thì phải chịu giá điện rất cao, gấp 4, 5 lần giá thực tế. Quy định mới để người lao động, sinh viên đi thuê nhà được tách thành từng hộ với quy mô 4 người và mỗi nhân khẩu sẽ tính là 1/4 hộ.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, thực tế thì dù tính cách nào đơn vị cung cấp điện vẫn là người có lợi, chủ hộ cho thuê sẽ có cách tính để tránh bị thiệt và người thiệt hại cuối cùng vẫn sẽ là người thuê.
Tất nhiên cách tính này sẽ làm giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng so với hiện nay, nhưng các cơ quan quản lý vẫn phải thanh kiểm tra vì trước kia là cứ thuê thì bị đánh giá cao, bây giờ có khung giá rồi, dùng quá thì phải chịu, thế nhưng chủ nhà có chấp hành hay không lại là câu chuyện khác.
Thứ trưởng Công Thương: Không chi quỹ bình ổn, giá xăng vừa qua đáng lẽ tăng cao hơn
Sau 3 lần điều chỉnh tăng liên tiếp gần đây, giá xăng E5 RON 92 đã ở mốc cao nhất trong nhiều năm trở lại đây với giá bán lẻ 20.906 đồng/lít. Còn xăng RON95 đang ở mốc 22.347 đồng/lít; dầu diesel 18.611 đồng/lít.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, do giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây tăng mạnh nên giá xăng dầu trong nước phải tăng theo. “Vừa rồi giá tăng cao, đáng lẽ phải tăng hơn 1.000 đồng nhưng do chi quỹ bình ổn nên xăng chỉ tăng gần 700 đồng/lít”, ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thay mặt Bộ Công Thương phát ngôn tại phiên họp báo thường kỳ
Từ hồi đầu năm đến cuối tháng 9, liên bộ có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá, 10 lần giữ ổn định giá.
Để giữ ổn định giá xăng dầu tổng cộng 10 lần này, ông Hải cho biết liên Bộ Tài chính – Công Thương đã phải trích quỹ bình ổn, tổng cộng là hơn 18.000 đồng/lít .
Chuyên gia: "Việt Nam có lẽ là một trong những thiên đường thuế"
Cho rằng Việt Nam “có lẽ là một trong những thiên đường thuế”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế dẫn chứng, ngoài mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, Việt Nam còn có mức ưu đãi 10%, 15% hay 17% tùy từng đối tượng. Thậm chí, hiện cũng có quy định về miễn thuế suốt đời dự án, miễn thuế 4 năm, giảm 9 năm,…
Theo ông Phụng, nhìn tổng thể, mức thuế của Việt Nam hiện thấp. So với các nước trong khu vực, mức thuế của Việt Nam là rất cạnh tranh. Thuế cổ tức ta không thu, doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp khác có lợi ta không thu…
"Thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân thấp, nên đây là dư địa nhiều chuyên gia có nói đến và chúng ta cần nghiêm túc suy nghĩ”, ông nói.
Bích Diệp (tổng hợp)