Ông Lý Trường Sơn (50 tuổi, ngụ KP8) cho biết, từ ngày công trình bắt đầu thi công, các đơn vị luân phiên đến đào đất, móc mương 2 bên khiến xe cộ của nhiều gia đình không có lối để dắt vào nhà mà phải gửi nhà đối diện.
Điển hình như nhà ông Sơn, có chiếc xe bán bánh mì nhưng khi bán xong, ông không đưa xe về nhà được mà phải gửi nhà hàng xóm.
Mặc dù đoạn đường dài khoảng 300m nhưng thi công 8 năm qua đến nay vẫn chưa xong
Còn hộ ông Dương Văn Dũng (40 tuổi) lâm vào cảnh khó khăn hơn khi ông thuê mặt bằng làm nhà hàng, mỗi tháng tiền thuê gần 50 triệu đồng nhưng vì công trình, nhà hàng ông luôn rơi vào cảnh ế ẩm.
Ông Dũng bức xúc, nói: “Nhà hàng nhiều năm qua lỗ nặng, vì khách thường xuyên hủy tiệc với lí do không có đường vào nhà hàng. Có lúc, tôi xin cán bộ quản lý công trình làm con đường tạm dẫn vào nhà hàng, chi phí do nhà hàng chúng tôi chịu nhưng phía công trình vẫn không đồng ý. Chẳng biết con đường này làm đến khi nào xong?”
Tại công trình, nhiều hố nước thế này nhưng không được rào chắn
Theo ghi nhận của PV, đoạn đường đang thi công rộng khoảng 30m có nhiều đất đá nằm ngổn ngang. Trên mặt đường có nhiều hố sâu do phía đơn vị thi công móc lên rồi để đó không lấp lại. Nhiều xe cộ đi ngang đây sụp ổ gà dẫn đến hư xe phải dừng lại gây kẹt xe thường xuyên trên đoạn đường này.
Liên quan việc này, ông Trần Văn Tiến, Phó chủ tịch UBND thị trấn An Thới cho biết, không chỉ người dân mà cả cán bộ cũng bức xúc về con đường vì phải thường xuyên lâm vào cảnh kẹt xe.
Theo ông Tiến, đoạn đường dân đang bức xúc nằm trong dự án tuyến đường nối thị trấn đến sân bay quốc tế Phú Quốc. Tuyến đường này dài 17km, dự án được khởi công từ năm 2010. Khi thực hiện dự án, một số hộ dân không đồng ý với mức bồi thường nên không đồng ý giao mặt bằng dẫn đến công trình đình trệ.
“Đến nay, vấn đề đền bù đã thỏa đáng, dân đã giao mặt bằng nhưng không có vốn làm. Hiện tỉnh Kiên Giang cho tạm ứng vốn để hoàn thành công trình, nhưng thời gian gần đây mưa nhiều khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn”, ông Tiến cho biết.
Nguyễn Hành