Fica
  1. Thời sự

476 tỷ đồng đã chi trả, đạt hơn 84% kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, đến nay địa phương này đã hỗ trợ cho 3.678 người sử dụng lao động, 294.584 lượt người lao động với tổng kinh phí trên 476 tỷ đồng.

Chiều 5/11, UBND TP Cần Thơ tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 10 với các sở, ngành và quận, huyện để đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2021.

Bà Trần Thị Xuân Mai- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết, tính đến hiện tại, ở địa phương này đã có 3.678 đơn vị sử dụng lao động và 294.584 lượt người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ với tổng số tiền trên 476 tỷ đồng. Việc chi trả hỗ trợ đã đạt hơn 84% kế hoạch và vẫn đang được tiếp tục.

 476 tỷ đồng đã chi trả, đạt hơn 84% kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - 1

Ông Dương Tấn Hiển- Phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ cùng bà Trần Thị Xuân Mai- Giám đốc Sở Lao động và các cán bộ tới thăm và trao hỗ trợ tới 2 bé mồ côi ở Phong Điền (Ảnh: CTV).

Cụ thể, ở các nhóm chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, TP Cần Thơ đã hoàn thành hỗ trợ 3.660 đơn vị sử dụng lao động với 86.854 người lao động, tổng số tiền hỗ trợ trên 42 tỷ đồng.

Ở nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động TP Cần Thơ đang triển khai mở các lớp đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động gồm cả những người từ nơi khác về Cần Thơ sau giãn cách.

Hiện ở Cần Thơ, trong 9 quận huyện, chỉ còn duy nhất huyện Thới Lai chưa chi trả hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Do điều kiện đặc thù, hiện mới chỉ có 2 quận Ninh Kiều và Ô Môn được phê duyệt chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.

Cần Thơ đã hoàn thành chi trả hỗ trợ theo danh sách phê duyệt cho tất cả người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Chính sách hỗ trợ bổ sung cho người lao động đang mang thai; người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi; hỗ trợ trẻ em trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được TP Cần Thơ thực hiện đồng thời với các nhóm chính sách khác.

 476 tỷ đồng đã chi trả, đạt hơn 84% kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - 2

Đến nay việc trao tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 Cần Thơ đã đạt tiến độ 84% (Ảnh: CTV).

Hiện ở địa phương chỉ còn 4 quận, huyện chưa chi trả hỗ trợ tiền ăn đối với người là F0 và F1 là Ninh Kiều, Cái Răng, Thới Lai và Vĩnh Thạnh.

Ở nhóm chính sách hỗ trợ một lần đối với viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch đã chi trả cho 107/138 người được phê duyệt, các trường hợp còn lại đang thực hiện thủ tục.

Hiện vẫn còn 3 quận huyện chưa chi trả hỗ trợ hộ kinh doanh là Cái Răng, Thới Lai và Vĩnh Thạnh.

Đối với lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, TP Cần Thơ đã hỗ trợ cho 7.495/7.975 người bán vé số dạo với mức 2 triệu đồng/ người, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 15 tỷ đồng, đạt gần 94% số người được phê duyệt hỗ trợ. 180.067 lao động tự do ở các nhóm khác cũng đã được nhận hỗ trợ với tổng kinh phí trên 360 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 81,22% số người được phê duyệt hỗ trợ.

TP Cần Thơ đã chi 9 tỷ 374,19 triệu đồng cho 18 doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho 2.406 lượt lao động.

Gần 194 tỷ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng đã được TP Cần Thơ dùng để hỗ trợ cho 81.134 người. 3.554 đơn vị, 86.803 lao động cũng đã được giảm đóng BHTN với tổng số tiền hơn 58 tỷ đồng.

 476 tỷ đồng đã chi trả, đạt hơn 84% kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68 - 3

Lao động tự do ở Cần Thơ nhận tiền hỗ trợ (ảnh: Bảo Kỳ).

Cần Thơ cũng đã hỗ trợ hơn 5 nghìn tấn gạo từ nguồn hỗ trợ Trung ương cho 334.366 người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Sở LĐTB&XH TP Cần Thơ, nhiều nhóm chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết số 68/NQ-CP được triển khai chậm, thậm chí chưa phát sinh số liệu là do những khó khăn trong quá trình dãn cách xã hội, thiếu kinh phí cục bố, một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt việc chi hỗ trợ.

Bên cạnh đó nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới làm thủ tục nhận hỗ trợ dẫn đến nhiều nhóm chính sách có số giải ngân thấp.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Dương Tấn Hiển cho biết, dịch bệnh được dự báo còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường hơn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. UBND TP yêu cầu các sở, ban ngành và UBND quận, huyện thực hiện tốt "mục tiêu kép"...

Theo đó, ông Hiển yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp mà TP đã đề ra. Bên cạnh đó, nỗ lực thực hiện, phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

 Tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sớm ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh, nắm diễn biến thị trường lao động, đảm bảo người lao động trở lại làm việc, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động…

 Nguyễn Cường