Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành một phần riêng đề cập tới các giải pháp dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: QH).
Để Việt Nam không lỡ nhịp...
Hôm nay (10/11) Quốc hội bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ là một trong 4 Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn.
Trong báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dành một phần riêng đề cập tới các giải pháp dự kiến của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, Bộ này cho biết hiện nay dự thảo Chương trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự kiến kinh phí, phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, các quốc gia đã triển khai nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn, chưa từng có tiền lệ, tăng trần nợ công, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế.
Thời gian qua, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung.
Đồng thời chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực mạnh mẽ hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
"Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng, nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội tại thời điểm hiện nay, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là hết sức phù hợp và cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới, không lỡ nhịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.
Nội dung gì trong chương trình phục hồi kinh tế?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin Chương trình dự kiến đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Giải pháp về phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng chiến lược, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; Giải pháp về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; Giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Trong đó, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm gồm: Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, các đối tượng xã hội sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, tâm lý, sức khỏe, bảo đảm an toàn, an ninh, an dân. Các chính sách cũng góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân, qua đó có tác động kích cầu đối với hàng hóa tiêu dùng.
Còn nhóm nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gồm: Các chính sách chủ yếu bao gồm chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí.
Phạm vi chính sách bao gồm chính sách áp dụng chung và chính sách áp dụng riêng cho một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và có khả năng phục hồi nhanh, thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo như: vận tải hàng không, đường sắt, vận tải đường bộ; du lịch; sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo.
Nguyễn Mạnh