Đề xuất này nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 - UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.
Trong báo cáo thẩm tra, UB Tài chính – Ngân sách thống nhất với dự kiến tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 2020 tăng 113,8 nghìn tỷ đồng (7%) so với dự toán năm 2019. Riêng về chi thường xuyên, 2020 Chính phủ lập dự toán chi thường xuyên chiếm 60,5% tổng chi ngân sách nhà nước, giảm dần qua các năm.
Đồng ý với đề xuất của Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra cũng phân tích, trong bối cảnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương về cải cách bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, cải cách chính sách tiền lương và trợ cấp Bảo hiểm xã hội, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giảm chi thường xuyên bằng các giải pháp hiệu quả trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán.
Theo tính toán, cả nước phải dành 40-50% khoản tăng thu ngân sách cho việc tăng lương.
Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thực tế giám sát một số địa phương cho thấy, việc tinh giản biên chế chưa quyết liệt, có những nơi còn mang tính cơ học nhằm thu gọn đầu mối, dẫn đến chi thường xuyên vẫn còn cao. Bên cạnh đó, một số địa phương khi ban hành chính sách còn chưa bảo đảm nguồn lực tài chính để thực hiện trong năm.
Một số chính sách do trung ương ban hành, nhưng ngân sách địa phương thực hiện. Điều này không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố khi thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán đầu năm.
UB Tài chính - ngân sách đề nghị, từ năm 2020, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của luật: ngân sách các cấp không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính và việc ban hành thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp.
Về chi cải các tiền lương, theo báo cáo thẩm tra, đa số ý kiến trong UBTài chính - ngân sách nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương (dự kiến từ năm 2021 hằng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách trung ương) cho cải cách tiền lương.
Để thực hiện tốt việc tăng lương cơ sở trong năm 2020, cơ quan thẩm tra đề nghị các ngành, các cấp cần tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí bằng các hoạt động thực chất, hiệu quả hơn nhằm tăng nguồn lực cho chi đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển.
Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, Chính phủ cần thực hiện các bước đi phù hợp, xác định vị trí việc làm, tính chất phức tạp của nghề nghiệp… để chuẩn bị tiến hành cải cách tiền lương từ năm 2021 theo nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương Đảng.
Đối với các khoản phụ cấp và thu nhập có tính chất lương, cần được rà soát theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động.
Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị tăng phụ cấp công vụ vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%. Cũng có ý kiến đề nghị quan tâm hơn đến việc tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993 vì mức thu nhập khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Nếu mức tăng lương được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).
Phương Thảo