Trong đợt mưa lũ từ ngày 28 - 31/8 vừa qua, tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các huyện miền núi như: Cẩm Thủy, Quan Hóa và Mường Lát. Trong đó, Mường Lát là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Mưa lũ khiến nhiều bản làng tan hoang
Ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: Có 10 người chết, 2 người mất tích và 2 người bị thương do mưa lũ; 307 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; hơn 13 nghìn ngôi nhà bị ngập trong nước, 800 ngôi nhà bị đổ sập, bị cuốn trôi hoặc hư hỏng nặng; 486 nhà đang trong tình trạng nguy hiểm phải di dời khẩn cấp.
Bên cạnh đó, 44 điểm trường bị ảnh hưởng và gần 200 phòng học, phòng chức năng bị ngập nước; hơn 3.500 ha lúa, 700 ha rau màu bị ngập; hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở nghiêm trọng; trạm y tế, công trình công cộng, hệ thống thông tin viễn thông bị hư hại nặng nề.
Hạ tầng giao thông bị thiệt hại nghiêm trọng, khiến nhiều địa phương bị chia cắt cô lập kéo dài
Hiện còn nhiều bản, làng tại huyện Mường Lát vẫn bị cô lập, hàng ngàn gia đình đang trong hoàn cảnh rất khó khăn về nhà ở và cuộc sống. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện để sơ tán, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; giải tỏa ách tắc giao thông. Đồng thời, huy động hàng chục tấn gạo, mì tôm và nhiều vật dụng thiết yếu để cứu trợ cho các hộ dân sơ tán, bị cô lập ở các địa phương.
Hiện nay, các địa phương vẫn đang tập trung huy động lực lượng giúp nhân dân tu sửa, vệ sinh nhà cửa, trường học, trạm y tế, khắc phục các sự cố công trình giao thông, thủy lợi; tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch; thu gom diện tích cây trồng bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.
Ngành giáo dục cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi trường học bùn ngập tận nóc.
Đến sáng nay, ngày 10/9, tuyến quốc lộ 15C, quốc lộ 16, đang bị tắc, huyện Mường Lát vẫn đang bị cô lập. Do đó, hàng cứu trợ vẫn chưa thể tiếp cận được với vùng tâm lũ này.
Do hậu quả mưa lũ tàn phá nặng nề, nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất cho nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Trung ương hỗ trợ 900 tỷ đồng để khắc phục xử lý cấp bách các công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục; di dời khẩn cấp dân ở vùng có nguy cơ sạt lở cao và xây dựng lại nhà ở cho nhân dân. Đồng thời, hỗ trợ 1.000 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân vùng thiệt hại do mưa lũ gây ra...
Chăn nuôi, sản xuất của người dân cũng bị thiệt hại nặng
Theo ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa: Sau đợt lũ lụt nghiêm trọng này, Thanh Hoá phải nhanh chóng hoàn trả lại toàn bộ hệ thống hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, đê điều, y tế, giáo dục bị hư hại...; khôi phục, xây mới các trường học bị đổ sập xong trước học kỳ II cho các cháu học sinh học tập ổn định; xây mới nhà ở cho trên 300 hộ dân bị lũ cuốn trôi trước Tết nguyên đán và lo sinh kế trước mắt và lâu dài cho người dân.
Trong chuyến kiểm tra tình hình thực tế thiệt hại do mưa lũ gây ra, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức trung ương đánh giá cao sự tích cực, khẩn trương khắc phục khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, chỉ ra một số giải pháp khắc phục lũ lụt cụ thể để ổn định cuộc sống cho người dân trước mắt cũng như lâu dài.
Công tác cứu trợ bà con vùng lũ gặp nhiều khó khăn
Khẳng định thiệt hại của nhân dân Thanh Hoá trong đợt lũ lụt này vô cùng lớn và nặng nề, ông Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thanh Hóa phải nắm chắc tình hình, bám sát cơ sở, nhanh chóng giải quyết khó khăn, vướng mắc trước mắt để ổn định đời sống cho nhân dân; không để một người dân nào không có lương thực, thực phẩm, nước sạch; không để một học sinh nào bị thất học...
Duy Tuyên