Như vậy, lượng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài hứa hẹn tại Việt Nam tính đến nay là con số khá lớn, điều này khiến ảnh hưởng đến chất lượng thu hút FDI, chính sách của Việt Nam và đặc biệt là nếu các dự án đăng ký nhưng không triển khai, giải ngân sẽ khiến quy hoạch bị ảnh hưởng, thậm chí bị phá vỡ.
Về thu hút FDI năm 2019, cả nước có 38,02 tỷ USD tăng hơn 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI năm 2019 đạt 20,38 tỷ USD, đạt 53% lượng vốn cấp mới và tăng thêm trong năm 2019, tín hiệu khả quan để giải ngân vốn các năm trước đây.
Việt Nam có trên 150 tỷ USD vốn ngoại các nhà đầu tư cam kết nhưng chưa hoặc không giải ngân |
Tuy vốn thực hiện năm 2019 tăng so với cùng kỳ nhưng có thể thấy mức tăng đã suy giảm so với năm 2017 và 2018 (năm 2017 vốn thực hiện tăng 10,7% so với năm 2016, năm 2018 vốn thực hiện tăng 9,1% so với năm 2017).
Về hình thức đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần, năm 2019 cả nước có 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 15,47 tỷ USD, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký.
Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2017 đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký, năm 2018 chiếm 27,9% tổng vốn đăng ký, năm 2019 chiếm 40,7% tổng vốn đăng ký. Các nhà ĐTNN tham gia góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 45,8% tổng giá trị và kinh doanh bất động sản với 17,8% tổng giá trị .
Theo đối tác đầu tư, đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,92 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD (trong đó, có 3,85 tỷ USD mua cổ phần vào công ty TNHH Vietnam Beverage tại Hà Nội, chiếm 48,9% tổng vốn đầu tư của Hồng Kông).
Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,5 tỷ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc,... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Theo địa bàn đầu tư, Hà Nội thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng số vốn đăng ký 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Vốn đầu tư tại Hà Nội chủ yếu là theo phương thức góp vốn, mua cổ phần với 6,47 tỷ USD, chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 8,3 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư, tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,...
Về Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 508,14 triệu USD. Trong đó có 164 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 403,15 triệu USD. Có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 105 triệu USD.
Theo lĩnh vực, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 121,6 triệu USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ hai với 86,1 triệu USD và chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đứng thứ ba với 70,1 triệu USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư.
Các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều nhất là Australia với 154,6 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ hai với 26 dự án, tổng vốn đầu tư 93,4 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Campuchia, Tây Ban Nha, Singapore và Canada…
An Linh