Khi BIDV tiến hành giải chấp, chuyển nhượng quyền khai khoáng này cho doanh nghiệp để thu hồi nợ vay thì Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) không đồng ý. Và từ đó dấy lên cuộc tranh cãi giữa các cơ quan quản lý suốt hai năm qua.
Việc doanh nghiệp khai khoáng mang giấy phép khai khoáng thế chấp tại ngân hàng để vay vốn khai mỏ diễn ra khá thường xuyên vì năng lực tài chính của các doanh nghiệp không thể đảm bảo việc khai mỏ trong thời gian kéo dài, vốn đòi hỏi chi phí rất lớn. Ảnh: KINH LUÂN |
Đầu năm 2017, khi BIDV tiến hành thủ tục xử lý tài sản đảm bảo là chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản (tài sản mà ngân hàng nhận thế chấp của doanh nghiệp được cấp tín dụng) sang cho doanh nghiệp thứ ba thì một số sở TN-MT (Thái Nguyên và Điện Biên) từ chối thực hiện. Từ trước đến thời điểm đó, việc doanh nghiệp khai khoáng mang giấy phép khai khoáng mà Nhà nước cấp cho mình (thể hiện quyền khai khoáng) thế chấp tại ngân hàng để vay vốn khai mỏ diễn ra khá thường xuyên vì năng lực tài chính của các doanh nghiệp không thể đảm bảo việc khai mỏ trong thời gian kéo dài, vốn đòi hỏi chi phí rất lớn. Việc bị các sở TN-MT từ chối cấp phép chuyển nhượng này khiến ngân hàng không thể xử lý được tài sản đảm bảo, thu hồi nợ vay. Thậm chí, có bên yêu cầu ngân hàng nhượng lại quyền khai mỏ hủy hợp đồng chuyển nhượng, trả lại tiền và bồi thường thiệt hại.
Đến lúc này BIDV mới tá hỏa nguyên nhân khiến các sở TN-MT từ chối thực hiện việc sang tên là do Tổng cục Địa chất - Khoáng sản (TCĐCKS) đã có công văn nêu rõ: “Theo Luật Khoáng sản và các văn bản hiện hành có liên quan, không có quy định về thế chấp quyền khai thác khoáng sản cũng như thủ tục chuyển nhượng đối với tài sản trúng đấu giá là quyền khai thác khoáng sản”. TCĐCKS cho rằng việc BIDV và khách hàng ký hợp đồng thế chấp quyền khai khoáng là không đúng quy định.
Tính đến hết năm 2017, theo báo cáo của BIDV, tổng giá trị các khoản cấp tín dụng mà ngân hàng này cấp cho doanh nghiệp được đảm bảo bằng quyền khai thác khoáng sản lên đến gần 10.000 tỉ đồng. BIDV cũng ước tính, tổng giá trị các khoản cấp tín dụng được đảm bảo bằng quyền khai khoáng của tất cả các tổ chức tín dụng trên thị trường có thể lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nhưng với văn bản như trên của TCĐCKS, mọi cánh cửa chuyển nhượng tài sản thế chấp tại các ngân hàng đối với các quyền khai mỏ tạm đóng lại.
BIDV đã gửi văn bản tới Bộ TN-MT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Hiệp hội Ngân hàng đề nghị can thiệp và cùng tìm hướng giải quyết vì vấn đề thế chấp tài sản đảm bảo như quyền khai mỏ không phải chỉ xảy ra ở một ngân hàng như BIDV. BIDV cho rằng họ có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh việc nhận thế chấp và xử lý tài sản thế chấp là đúng.
Theo BIDV, Luật Khoáng sản 2010 quy định các tổ chức, cá nhân khai khoáng ngoài quyền theo quy định của luật này còn có các quyền khác. Các văn bản hướng dẫn không có điều khoản nào cấm tổ chức, cá nhân sử dụng quyền khai khoáng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. BIDV dẫn Bộ luật Dân sự 2005 cho phép “quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của bộ luật này và pháp luật về tài nguyên”. Thông tư 05/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch đảm bảo, hợp đồng, thông báo kê biên tài sản thuộc các trường hợp đăng ký giao dịch đảm bảo có bao gồm “quyền khai thác tài nguyên... được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự”. Bộ luật Dân sự 2015 không còn quy định cụ thể về sử dụng quyền khai thác tài nguyên để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn quy định về thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình (vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản).
NHNN, Hiệp hội Ngân hàng cũng có văn bản gửi Bộ TN-MT bày tỏ sự đồng tình với lý lẽ của BIDV. Vụ việc được “đẩy” sang Bộ Tư pháp và ý kiến của bộ này cũng khẳng định có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc thế chấp quyền khai khoáng như quan điểm của BIDV, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng. Bộ này chỉ nói thêm rằng trong trường hợp xử lý tài sản đảm bảo là quyền khai khoáng thì bên nhận chuyển nhượng quyền khai khoáng phải đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện, thủ tục của pháp luật về khoáng sản, dân sự, giao dịch đảm bảo...
Vấn đề là sau khi các bên nói trên khẳng định việc thế chấp, chuyển nhượng quyền khai khoáng có thể thực hiện được và đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn sở TN-MT các địa phương làm thủ tục chuyển nhượng cho bên mua tài sản đảm bảo thì TCĐCKS vẫn không chấp thuận. TCĐCKS vẫn bảo lưu quan điểm rằng quyền khai thác khoáng sản không phải là quyền sở hữu tài sản “giá trị bằng tiền của trữ lượng khoáng sản được cấp phép khai thác”. Cơ quan này cho rằng theo quy định của Luật Khoáng sản về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai khoáng nhiều nhất bằng 5% tổng trữ lượng được phép khai thác, bất kể khai thác qua đấu giá hay không đấu giá. Tiền nộp đến đâu thì khai thác đến đó nên đó không phải là quyền sở hữu toàn bộ. Hơn nữa, giá trị của quyền khai khoáng do cơ quan thẩm quyền cấp phép xác định, phê duyệt mà không phải do tổ chức, cá nhân khai khoáng định đoạt. Nếu doanh nghiệp khai khoáng vi phạm Luật Khoáng sản thì quyền khai khoáng có thể bị thu hồi. Mà, doanh nghiệp không có quyền định đoạt tài sản thì đó không phải là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân. Do vậy, doanh nghiệp không có quyền thế chấp. Ngân hàng cũng không được nhận thế chấp dưới hình thức này. Nếu tổ chức tín dụng nhận thế chấp rồi đấu giá quyền khai khoáng thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo là không đúng quy định. Tuy nhiên, TCĐCKS vẫn thừa nhận quyền chuyển nhượng quyền khai khoáng.
Tình trạng một số tổ chức, cá nhân có quyền khai khoáng đã đem giấy phép khai khoáng thế chấp tại các ngân hàng vay tiền với danh nghĩa để đầu tư cho các dự án khai khoáng theo giấy phép nhưng mất khả năng trả nợ, dẫn đến nợ xấu, rủi ro tại các ngân hàng là có thật và cần phải phòng ngừa. Tuy nhiên, ngành TN-MT chỉ “vin” vào cớ Luật Khoáng sản không có quy định về quyền thế chấp để cho rằng việc chuyển nhượng quyền này bị hạn chế là không phù hợp. Bởi quyền khai khoáng tồn tại độc lập với trữ lượng khoáng sản. Kể cả mỏ đó có khoáng sản nhiều hay ít thì giấy phép, quyền khai khoáng vẫn có đầy đủ giá trị tài sản, được chuyển nhượng và thế chấp. Bộ này chỉ cần thẩm định và yêu cầu chủ thể nhận chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các yêu cầu theo nghị định hướng dẫn Luật Khai khoáng 2010 là đủ.
Theo Ngọc Lan
TBKTSG