Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Ngân hàng ồ ạt báo lãi nghìn tỷ, 7 bên nào đã vượt 10.000 tỷ đồng sau 9 tháng?

Thảo Thu
Thảo Thu

Hiện có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng bao gồm Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, BIDV, VietinBank và ACB.

Đến ngày 3/11, hầu hết ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm nay. Bức tranh lợi nhuận của toàn ngành ngân hàng đã được hé mở. Dù chịu áp lực lạm phát toàn cầu cùng với các quy định mới hay những dự thảo sửa đổi quy định cũ chặt chẽ hơn trong ngành bất động sản và an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhiều nhà băng vẫn tăng trưởng 2 chữ số, báo lãi nghìn tỷ đồng sau 9 tháng.

7 ngân hàng báo lãi vượt 10.000 tỷ đồng

Vietcombank tiếp tục là "quán quân" ngành ngân hàng với lãi trước thuế gần 25.000 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính đến từ thu nhập lãi thuần khi chỉ tiêu này tăng 31% so với cùng kỳ, đạt 13.664 tỷ đồng.

Theo thống kê, hiện có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng bao gồm Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, BIDV, VietinBank và ACB. 

Ngoài ra, còn một "ông lớn" khác trong ngành hiện vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh là Agribank. Đây cũng là đơn vị được dự báo có tổng lợi nhuận trước thuế 3 quý vượt 10.000 tỷ đồng.

Trong "câu lạc bộ" lợi nhuận vượt 10.000 tỷ đồng, VPBank là đơn vị có mức tăng tốt nhất, tương đương 69%. Nhiều ngân hàng khác cũng đều có mức tăng trưởng 2 con số. Xếp ở vị trí thứ 2 là BIDV (64,7%), theo sau lần lượt là MB (53%), ACB (50,6%), Vietcombank (29%).

(Biểu đồ: Thảo Thu).

Trong số 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất tính đến ngày 3/11, ngoài 7 cái tên nói trên còn có SHB với 9.035 tỷ đồng, HDBank với 8.016 tỷ đồng và VIB có mức lãi trước thuế 7.800 tỷ đồng.

Nhìn lại cùng kỳ năm 2021, thực tế top 10 dẫn đầu lợi nhuận vẫn là những cái tên này, song vị trí đã có sự thay đổi đáng kể. VietinBank - một ngân hàng thuộc Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước) cùng kỳ xếp ở vị trí thứ 3 nhưng đã bị nhóm ngân hàng tư nhân gồm VPBank, MB "vượt mặt".

Hay như mức tăng ấn tượng, tới gần 80% so với cùng kỳ của SHB đã giúp nhà băng này vượt HDBank, VIB để xếp lên trên 2 bậc.

21 nhà băng tăng trưởng 2 con số, 9 đơn vị tăng vượt 50%

Thống kê cho thấy có tới 21 nhà băng ghi nhận mức tăng 2 chữ số. Trong đó, có 9 ngân hàng có mức tăng trưởng trên 50%.

Eximbank hiện dẫn đầu mức tăng trưởng 9 tháng năm nay với 3.181 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng hơn gấp đôi so với con số 966 tỷ đồng cùng kỳ năm trước đạt được. Khi thượng tầng không còn "sóng gió", nhà băng này ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, vượt 27% kế hoạch cả năm sau 9 tháng.  

LienVietPostBank cũng là đơn vị có mức tăng trưởng cao tới 72% so với cùng kỳ lên 4.822 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, LienVietPostBank đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm là 4.800 tỷ đồng. 

SeABank cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, lên tới hơn 4.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 59% so với cùng kỳ. Riêng lợi nhuận quý III cũng tăng trưởng trên 24%.

(Biểu đồ: Thảo Thu).

Một số nhà băng khác có tăng trưởng khả quan là VietABank (55%), PGBank (42%), VietBank (35,8%), NamABank (30%)...

Ai đi ngang, tăng trưởng âm?

 Trong loạt nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh vẫn có đơn vị tăng trưởng đi ngang so với cùng kỳ, thậm chí có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm.

BacABank 9 tháng chỉ tăng trưởng gần 2% so với cùng kỳ năm trước hay Viet Capital Bank cũng ghi nhận mức tăng trưởng trên 9%.

Còn 3 ngân hàng tăng trưởng âm là OCB, Kienlongbank và BaoVietBank. Cụ thể, OCB 9 tháng đạt lợi nhuận trước thuế đạt 2.649 tỷ đồng, giảm 29,7%. Lợi nhuận trước thuế của Kienlongbank ở mức 513 tỷ đồng, giảm 41,6% so với cùng kỳ. Còn BaoVietBank cũng "bốc hơi" 21% lợi nhuận so với 3 quý đầu năm 2021.

Còn NCB, sau 9 tháng, lỗ 180 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 vẫn lãi 206 tỷ đồng. Quý III năm nay, lợi nhuận của ngân hàng này cũng đi ngược với bức tranh chung của ngành ngân hàng khi lỗ gần 200 tỷ đồng. Nguyên nhân được NCB lý giải là do ngân hàng thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với nợ quá hạn, nợ xấu, đồng thời trích lập dự phòng theo phương án cơ cấu lại, bên cạnh đó là áp dụng chính sách hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19... 

2 tháng cuối năm dự báo ra sao?

Nhìn chung, sau 9 tháng, bức tranh ngành ngân hàng vẫn thuận lợi khi tổng lợi nhuận trước thuế của gần 30 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến nay vẫn tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Hầu hết nhà băng đều đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là thu từ dịch vụ như thẻ, bảo hiểm, thư tín dụng… bên cạnh thu từ mảng cho vay.

Từ đầu năm, ngành ngân hàng không chỉ đón những tin tích cực. Riêng trong quý III, lợi nhuận ngành ngân hàng đã được nhiều chuyên gia và các công ty chứng khoán dự báo có khả năng không còn giữ được "phong độ" do những yếu tố liên quan như biên lãi thuần (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, hay khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm nay khi Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực từ cuối tháng 6.

Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) trước đó cũng đã dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay và năm 2023 khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020-2021. Động lực tăng trưởng của các ngân hàng bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng.

Hiện có 7 ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán có trụ sở tại Hà Nội, nhận định, 9 tháng, nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng vọt. Tuy vậy, từ tháng 10, các ngân hàng sẽ có thể phải đối mặt với nhiều thách thức, đơn cử như 2 lần tăng lãi suất điều hành hay việc nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, kéo theo làn sóng tăng lãi suất, tỷ giá trên thị trường.

Các chuyên gia của Agriseco cho rằng để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi. Ngoài ra, việc tập trung vào bán lẻ được kỳ vọng giúp các nhà băng giảm thiểu rủi ro và thị trường bancassurance là động lực thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, nhận định các vấn đề room tín dụng, nợ xấu, "sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản… ảnh hưởng và làm phân hóa lợi nhuận của ngành ngân hàng nửa cuối năm.

Dù vậy, không ít nhận định rằng ngân hàng vẫn giữ mức tăng trưởng tốt từ giờ tới cuối năm. Nền kinh tế Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng từ thế giới nhưng vẫn được dự báo tích cực. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7% trong năm 2022, tăng so với dự báo 6% trong dự báo đưa ra hồi đầu năm. 

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) tiến hành cũng cho thấy 70,4% đến 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV. Lợi nhuận trước thuế trong năm nay được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021.

Thảo Thu

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.