Fica

Giá USD ngân hàng lập đỉnh mới, vàng vẫn lình xình

Thảo Thu
Thảo Thu

Giá bán USD trong ngân hàng liên tục đi lên, có nơi tới 23.960 đồng. Trong khi đó, vàng không giảm mạnh như dự báo song cũng chưa thể bứt phá lên ngưỡng kháng cự 1.700 USD/ounce.

Yếu tố nào cản đà giảm của vàng?

Kết thúc ngày 22/9, các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 65,8-66,6 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 50.000 đồng so với lúc mở cửa phiên. Có thời điểm mỗi lượng giảm tới 100.000 đồng. Chênh lệch mua - bán ở mức 800.000 đồng.

Tính đến 6h30 ngày 23/9 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên Kitco ở 1.672,2 USD/ounce, giảm 1,5 USD so với mức mở cửa phiên. 

Kim loại quý thế giới không giảm mạnh như nhiều dự báo trước đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp hôm 22/9 vừa rồi. 

Giá vàng thậm chí có thời điểm tăng trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới trở nên căng thẳng. Nga đã điều động thêm quân số, tăng cường phương tiện chiến đấu cho quân đội. Từ đó, giới đầu tư tài chính tăng nhu cầu trú ẩn vốn vào vàng vì lo ngại rủi ro có thể đến từ xung đột giữa Nga - Ukraine. Giá vàng thế giới có lúc tăng mạnh 30 USD/ounce, từ 1.655 USD vọt lên 1.685 USD/ounce lúc 21 giờ ngày 22/9 (giờ Việt Nam).

Giá vàng trong nước khó đoán định (Ảnh: Tiến Tuấn).

Dù vậy, giá vàng quốc tế giằng co giữa lo ngại về căng thẳng địa chứ không xác lập đà tăng. Đó là chưa kể đến sự vươn lên mạnh mẽ của đồng bạc xanh cùng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Theo đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện tăng lên 3,51%/năm. Còn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cũng ở vùng cao nhất 15 năm trở lại đây, đạt 4,02%/năm. 

Quy đổi theo tỷ giá bán USD tại Vietcombank chưa thuế phí, vàng SJC đang đắt hơn vàng quốc tế 18,6 triệu đồng/lượng.

Giá USD ngân hàng lập kỷ lục mới

Sau tín hiệu từ Fed, giá USD vẫn neo ở mức cao, sau khi công phá mức đỉnh 20 năm từng thiết lập. Tính đến 6h30 ngày 23/9 (giờ Việt Nam), USD-Index giao dịch trên vùng 111,07 điểm, tăng 19,58% so với một năm trước.

Việc sức mạnh đồng USD tăng cao khiến tỷ giá quy đổi đồng bạc xanh so với hầu hết đồng tiền tệ khác trên thế giới đều tăng. Trong đó, đồng Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng.

Kết thúc 22/9, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.316, tăng 15 đồng so với thời điểm kết phiên hôm qua và cao hơn 44 đồng so với một tuần trước. Nếu so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng hơn 0,7%. 

Giá bán USD tại nhiều ngân hàng lập đỉnh (Biểu đồ: Thảo Thu).

Với biên độ 3%, các nhà băng hiện được phép yết giá đôla ở mức sàn 22.616 đồng và giá trần là 24.015 đồng.

Tỷ giá tăng mạnh cùng với nhịp tăng của USD-Index, sau khi Fed tăng lãi suất.

Tại các Sở giao dịch của NHNN, nhà điều hành vẫn duy trì giá bán ngoại tệ này ở mức 23.700 đồng/USD và bỏ trống cột giá mua.

Tại các ngân hàng thương mại, giá bán USD đã bật tăng từ 10-30 đồng ở các ngân hàng. Tại Vietcombank, giá giao dịch USD là 23.535-23.845 đồng (mua-bán), tăng 35 đồng ở cả 2 chiều. Nếu so với đầu năm, mỗi USD tại Vietcombank đã tăng 925 đồng, tương đương mức tăng hơn 4%. Các ngân hàng tư nhân cũng ghi nhận diễn biến tương tự. Hiện ngân hàng niêm yết mức cao nhất là 23.580-23.960 đồng (mua - bán).

Trên thị trường "chợ đen", giá USD sáng ngày 23/9 giao dịch ở mức 24.060-24.130 đồng/USD (mua - bán), tăng 10 đồng ở chiều mua và giảm 20 đồng ở chiều bán so với hôm qua.

Thảo Thu