Sau đợt tăng nóng rồi hạ nhiệt vào cuối năm 2023, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước lại liên tục chứng kiến những đợt biến động rất mạnh. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC, vàng nhẫn 24K khiến giá hàng hóa bị đẩy lên cao chưa từng có.
"Bắt tay" làm giá?
Dư luận băn khoăn phải chăng thị trường đang có tình trạng làm giá hoặc "bắt tay" đẩy giá vàng SJC lẫn vàng nhẫn? Bởi từ sau ngày Thần Tài (19-2) đến nay, giá vàng nhẫn 24K loại 1, 2 chỉ liên tục rơi vào tình trạng khan hiếm, nhiều thương hiệu lớn báo hết hàng hoặc chỉ bán nhỏ giọt.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, giới kinh doanh vàng đều khẳng định không có chuyện "làm giá". Tuy nhiên, nhiều năm qua, do khách mua vàng miếng SJC rất ít khi bán ra nên có một số thời điểm, khi người dân mua vàng miếng SJC với số lượng lớn, cửa hàng không chuẩn bị kịp, phải hứa hẹn vài ngày mới có hàng. Chính nguồn cung khan hiếm đã khiến giá vàng SJC ngày càng tăng.
Chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội còn cho hay hiện có một số đầu mối đang găm giữ vàng miếng SJC nhằm gây áp lực đến cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng theo hướng trao quyền nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp.
Diễn biến tương tự cũng đang xảy ra với vàng nhẫn trơn 24K. Giám đốc một công ty vàng ở TP HCM cho biết vàng nhẫn đã "căng thẳng" từ dịp Tết, nhất là sau ngày Thần Tài khi nhu cầu mua vào lớn hơn bán ra.
"Nhiều người thấy vàng miếng SJC giá cao, có thời điểm lên tới 81 triệu đồng/lượng nên chuyển sang mua vàng nhẫn. Lực cầu tăng trong khi người bán ra ít vì nghĩ giá còn tăng nên cửa hàng hết vàng nhẫn để bán là bình thường, chứ không phải găm giữ hay làm giá gì cả. Vì giá bán ra cao thì công ty mua vào cũng cao, chênh lệch mua - bán khoảng 1 triệu đồng/lượng" - giám đốc công ty này nói.
Cũng liên quan đến vàng nhẫn 24K, ông Lê Chánh, chủ một tiệm vàng tại TP HCM, cho biết trong những ngày gần đây người dân đã bắt đầu bán ra nhiều hơn trước vì họ đã có lời. Thế nhưng, giá vàng nhẫn vẫn tăng giá, vàng thế giới vừa tăng hơn 50 USD/ounce, tức tới cả triệu đồng/lượng.
Một nguyên nhân nữa khiến giá vàng nhẫn tăng mạnh, theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), là hiện nay người tiêu dùng chuyển từ mua vàng miếng sang vàng nhẫn để tránh rủi ro vàng miếng SJC rớt giá nếu có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì vậy, nhu cầu vàng nhẫn tăng đột biến so với bình thường, trong khi nguồn cung hạn chế đẩy giá vàng nhẫn tăng cao.
Khách mua vàng ở TP HCM dịp Thần Tài vừa qua. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Sửa Nghị định 24 cách nào?
Tính đến cuối ngày 4-3, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 78,6 triệu đồng/lượng, bán ra 80,6 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng mỗi lượng so với hôm trước. Giá vàng nhẫn, vàng trang sức các loại cũng tăng lên 65,6 triệu đồng/lượng mua vào, 66,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Với mức giá này, vàng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới 17-18 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn 24K cũng cao hơn tới 4 triệu đồng/lượng thay vì 1-2 triệu đồng/lượng như vài tháng trước.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ và giá vàng tăng vọt những ngày qua, ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC), góp ý NHNN có thể tạm thời ủy quyền cho một số công ty kinh doanh vàng - là đơn vị trực thuộc các ngân hàng lớn nhập khẩu vàng để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang. Lập tức, giá vàng nhẫn sẽ lùi về ngang bằng với giá thế giới.
Thế nhưng, một số lãnh đạo VGTA cho rằng việc này chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, năng lực tài chính, kinh nghiệm thị trường của những công ty kinh doanh vàng trực thuộc các ngân hàng hết sức khiêm tốn, có thể nhập khẩu vàng mức giá không hợp lý.
Mặt khác, NHNN không có chức năng kinh doanh nên việc ủy quyền cho đơn vị khác nhập khẩu vàng là không phù hợp với Nghị định 24. Giải pháp cốt lõi để hạ nhiệt giá vàng trong nước là NHNN đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 24 theo hướng trả lại việc nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp.
Theo VGTA, NHNN cần điều tra, khảo sát nhu cầu nguyên liệu sản xuất vàng ở tại thời điểm hiện tại (khoảng 20 tấn/năm). Sau đó, NHNN tiến hành khảo sát, kiểm tra quy mô hoạt động, năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất… của các doanh nghiệp hàng đầu để chọn đơn vị làm đầu mối nhập khẩu vàng.
Khi đó, NHNN chỉ đóng vai trò cấp hạn mức, giám sát doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ đăng ký mua nguyên liệu từ đơn vị nhập khẩu. "Làm được như thế, giá vàng trong nước sẽ giảm trong chớp mắt, chênh lệch giữa giá vàng SJC, vàng nhẫn với giá thế giới sẽ thu hẹp đáng kể" - lãnh đạo VGTA kỳ vọng.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24 cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần chung là Chính phủ và NHNN cần tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đôla hóa nền kinh tế.
Theo chuyên gia này, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24 đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 12 năm và đã đến lúc cần thay đổi, sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập sự cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.
Đối với quy định về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có liên quan đến vàng cũng cần được rà soát và đánh giá lại. Cụ thể, với doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thể quy định cấp phép nhiều hơn, song vẫn phải đáp ứng tiêu chí mà Chính phủ, NHNN quy định và đương nhiên phải chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên. "Thị trường vàng sẽ dần ổn định khi có chính sách ổn định, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá vàng tăng cao như thời gian qua" - TS Cấn Văn Lực nói.
Khó gia công vàng trang sức thành vàng nhẫn
Các chuyên gia đề nghị khi nhu cầu vàng nhẫn tăng cao, nguồn cung hạn chế, các doanh nghiệp có thể gia công vàng trang sức thành vàng nhẫn. Giám đốc một công ty vàng ở TP HCM cho rằng giải pháp này có thể thực hiện được nhưng các tiệm vàng không làm, vì sẽ bị thiệt hại tiền công (tiền công chế tác món vàng trang sức đó). Vàng nhẫn đòi hỏi chất lượng 99,99% nên muốn gia công từ vàng trang sức sẽ phải tốn thêm chi phí phân kim vàng, chưa kể hao hụt. Trong khi đó, mua vàng nguyên liệu từ nguồn trôi nổi, không có chứng từ xuất xứ hiện tại rất rủi ro nên các tiệm vàng cũng hạn chế.
Theo THY THƠ - THÁI PHƯƠNG
Người Lao Động