Fica
  1. Tài chính ngân hàng

Doanh thu phí bảo hiểm giảm 0,26% năm 2024

Thảo Thu
Thảo Thu

Doanh thu phí thị trường bảo hiểm sụt giảm năm thứ 2 liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm hơn so với năm ngoái.

Số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết năm 2024, doanh thu phí bảo hiểm năm 2024 vẫn chưa phục hồi, ước đạt 227.495 tỷ đồng, giảm 0,26% so với cùng kỳ. Năm 2023 trước đó, doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm ước đạt 227.100 tỷ đồng, giảm 8,3%.

Thị trường bảo hiểm hiện có 85 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (trong đó có 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 32 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm) và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài. 

Năm 2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tăng 10,88% so với cùng kỳ năm trước, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm tăng 13,26%, tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 17,94% so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục duy trì năng lực tài chính qua giai đoạn 2023-2024 là giai đoạn có nhiều khó khăn và biến động đối với thị trường bảo hiểm và đạt được các kết quả theo hướng phát triển chất lượng hơn, minh bạch, bền vững hơn. Mặc dù tốc độ phục hồi còn chậm, song có thể thấy đã có những tín hiệu về triển vọng tích cực của thị trường.

Doanh thu phí bảo hiểm giảm 0,26% năm 2024 - 1
Doanh thu phí bảo hiểm đi lùi năm thứ 2 liên tiếp (Ảnh: IT).

Tại hội nghị cuối tuần qua, lãnh đạo đơn vị này nhận định năm 2025 tiếp tục là một năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bảo hiểm nói riêng. Tuy nhiên, cùng với các yếu tố nền tảng vĩ mô, tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, thì định hướng chiến lược và khung khổ pháp lý mới tạo kỳ vọng lớn để thị trường bảo hiểm Việt Nam tạo được “cú huých” về quy mô và chất lượng phát triển trong năm 2025 và các năm tiếp theo. 

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm được giao nhiệm vụ tập trung vào công tác phát triển thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm, công tác xây dựng chính sách và thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên khác. 

Bên cạnh đó, Cục này tiếp tục tập trung vào công tác quản lý giám sát với mục tiêu đảm bảo thị trưởng bảo hiểm minh bạch, an toàn, hiệu quả; triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm, hướng tới mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Ngành bảo hiểm nhân thọ trong 2 năm trở lại đây có nhiều biến động. Trong dự thảo Thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính dự kiến yêu cầu ngân hàng bán chéo bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng.

Hay tài liệu giới thiệu sản phẩm phải bảo đảm phản ánh trung thực các thông tin cơ bản, không được cung cấp thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm kỳ vọng và hiểu lầm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được yêu cầu định kỳ kiểm tra chất lượng tư vấn của các nhân viên, phối hợp với ngân hàng để xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan đến sản phẩm liên kết đầu tư.

Song song đó, Bộ Tài chính tổ chức nhiều đợt thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm, tập trung vào liên kết hoạt động, kinh doanh giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Tin liên quan
ABBank có tổng giám đốc

ABBank có tổng giám đốc

Ông Phạm Duy Hiếu chính thức được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc ABBank từ ngày 1/1, sau hơn một năm giữ vị trí quyền Tổng giám đốc ngân hàng.