Các nền kinh tế đang phát triển tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong bối cảnh môi trường lãi suất cao tiếp tục được duy trì và xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng phát triển, theo Ngân hàng Thế giới (WB) .
Cụ thể, cơ quan này dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực đạt 4,5% trong năm 2024 và 4,3% vào năm 2025, thấp hơn so với mức 5% của năm 2023. Đây chính là nội dung cập nhật trong báo cáo triển vọng kinh tế mà WB vừa công bố. Dù phần lớn các nền kinh tế trong khu vực được dự báo tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới nhưng vẫn sẽ chậm hơn so với giai đoạn trước đại dịch.
Thực trạng trên một phần bắt nguồn từ đà suy yếu của nền kinh tế số hai thế giới khi tăng trưởng trong năm 2024 của nước này có thể chỉ đạt 4,5% năm nay và 4,3% vào năm sau. “Trung Quốc đang chuyển sang một con đường tăng trưởng cân bằng hơn nhưng quá trình tìm kiếm các động lực thay thế mới không hề dễ dàng”, theo nội dung báo cáo.
Trung Quốc cần nhiều hơn các giải pháp hỗ trợ ngoài chính sách tài khóa như đẩy mạnh bảo trợ xã hội; thực thi chính sách thuế cấp tiến và phân bổ nguồn vốn đầu tư từ cơ sở hạ tầng sang con người để đẩy mạnh tiêu dùng.
Ngoài Trung Quốc, các nền kinh tế khác trong khu vực sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định từ 4,6% trong năm nay lên 4,8% vào năm 2025 khi hoạt động xuất khẩu hồi phục và điều kiện tài chính được nới lỏng. Philippines, Việt Nam và Campuchia được dự báo tăng trưởng trên 5% trong năm 2024 và khoảng 6% vào năm sau. Trong khi đó, Thái Lan và Myanmar sẽ là những mắt xích yếu nhất.
Dự báo của WB về tốc độ tăng trưởng của một số nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á - Thái Bình Dương |
Ngoài ra, WB đồng thời cảnh báo về tốc độ gia tăng nợ nhanh trong khu vực. Nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc và Việt Nam đã vượt ngưỡng 40% tổng sản phẩm quốc nội kể từ năm 2010 đồng thời cao hơn các nền kinh tế phát triển. Nợ hộ gia đình tại Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan cao hơn so với các thị trường mới nổi khác.
Trên phương diện toàn cầu, việc nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển, gia tăng các biện pháp bảo hộ thương mại cũng góp phần kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực khi hạn chế khả năng tiếp cận các thị trường trọng điểm. Theo WB, trong năm 2023, gần 3.000 các biện pháp hạn chế thương mại đã được áp dụng trên quy mô toàn cầu, gấp ba lần so với năm 2019.
Đại Phú