Fica
  1. Quốc tế

Nhật Bản lần đầu mất vị thế "chủ nợ" lớn nhất thế giới sau 34 năm

Điều này xảy ra bất chấp Nhật Bản ghi nhận giá trị tài sản ròng ở nước ngoài ở mức kỷ lục.

Theo dữ liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 27/5, tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản đạt 533.050 tỷ yên ( tương đương 3.700 nghìn tỷ USD) tại thời điểm cuối năm 2024, tăng khoảng 13% so với năm trước đó.

Mặc dù đây là con số cao nhất từng được ghi nhận, nhưng Nhật Bản lại bị Đức vượt mặt với tổng tài sản ròng ở nước ngoài của nền kinh tế số 1 châu Âu là 569.700 tỷ yên. Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ ba với giá trị tài sản ngoài nước ở ngưỡng 516.300 tỷ yên.

Nhật Bản lần đầu mất vị thế "chủ nợ" lớn nhất thế giới sau 34 năm - 1
Đức vượt Nhật Bản trở thành "chủ nợ" lớn nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Sự vươn lên của Đức nhờ vào số liệu thặng dư tài khoản vãng lai đáng nể của nước này với 248,7 tỷ euro trong năm 2024, chủ yếu đến từ hoạt động thương mại mạnh mẽ.

Trong khi đó, theo Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư của nước này chỉ đạt 29.400 tỷ yên, tương đương khoảng 180 tỷ euro. Năm ngoái, tỷ giá euro-yên đã tăng khoảng 5%, qua đó nới rộng tốc độ gia tăng giá trị tài sản của Đức so với Nhật Bản khi tính bằng đồng tiền của xứ sở mặt trời mọc.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết ông không lo ngại về diễn biến này.

"Giá trị tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản vẫn gia tăng ổn định. Chỉ riêng thứ tự xếp hạng không nên được coi là dấu hiệu cho thấy vị thế của Nhật Bản đã thay đổi đáng kể", ông Kato trả lời các phóng viên.

Đối với Nhật Bản, đồng yên yếu hơn góp phần làm tăng cả giá trị tài sản và nợ nước ngoài. Nhưng giá trị tài sản lại tăng với tốc độ nhanh hơn, một phần là do hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài được mở rộng.

Diễn biến trên phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong năm 2024, các doanh nghiệp nước này duy trì nhu cầu đầu tư trực tiếp ra nước ngoài mạnh mẽ, đặc biệt là tại Mỹ và Anh. Cơ quan này cho biết các lĩnh vực như tài chính, bảo hiểm và bán lẻ là nguồn thu hút vốn đáng kể từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Theo ông Daisuke Karakama, Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Mizuho, việc nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư trực tiếp thay vì mua chứng khoán, trái phiếu nước ngoài đồng nghĩa với khả năng rút vốn về nước sẽ trở nên khó khăn hơn.

"Nhà đầu tư không gặp nhiều khó khăn trong việc bán trái phiếu và chứng khoán nước ngoài khi rủi ro xuất hiện, nhưng họ không dễ dàng thoái vốn khỏi các công ty ở nước ngoài mà họ đổ tiền vào", ông Karakama nói.

Trong tương lai, quỹ đạo dòng vốn đầu tư ra nước ngoài sẽ phụ thuộc vào việc các công ty Nhật Bản phản ứng lại với những diễn biến địa - chính trị - kinh tế toàn cầu. Đặc biệt khi các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực, một bộ phận doanh nghiệp Nhật Bản có thể chuyển sản xuất hoặc chuyển giao tài sản sang Mỹ để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến thương mại.

Nguồn: Bloomberg
Tin liên quan
Bitcoin lên đỉnh cao mới

Bitcoin lên đỉnh cao mới

Kết quả trên đánh đầu đà hồi phục ấn tượng của đồng tiền này sau giai đoạn trồi sụt vì thuế quan.
S&P 500 lấy lại "sắc xanh" trong năm 2025

S&P 500 lấy lại "sắc xanh" trong năm 2025

S&P 500 nối dài đà tăng điểm trong phiên giao dịch 13/5, qua đó quay trở lại vùng tăng điểm trong năm 2025 nhờ vào diễn biến hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.