Trong một báo cáo vừa phát hành, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, khu vực kinh tế phi chính thức đang chiếm khoảng 70% lực lượng lao động và 30% GDP ở các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi.
Khu vực này gắn liền với năng suất lao động, doanh thu thuế thấp và tỉ lệ nghèo đói, bất bình đẳng cao, đây là dấu hiệu cho thấy các cơ hội đang bị đánh mất.
Theo WB, các biện pháp để cân bằng khu vực kinh tế chính thức và kinh tế phi chính thức có thể bao gồm giảm gánh nặng về thuế và chính sách, tăng khả năng tiếp cận tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục và dịch vụ công và củng cố hệ thống thu chi ngân sách.
WB khuyến nghị các nước thu nhập thấp cần xây dựng các khung chính sách vĩ mô – tài khóa có khả năng kháng cự tốt hơn. |
WB cũng đánh giá, rủi ro nợ ở các quốc gia có thu nhập thấp đang tăng lên. Mặc dù vốn vay có vai trò hiệu quả trong việc hỗ trợ nhiều quốc gia đối phó với các nhu cầu phát triển quan trọng, tuy nhiên tỉ lệ nợ so với GDP ở các quốc gia này đang leo thang, và tỉ trọng nợ đang nghiêng dần về các nguồn vốn thị trường có chi phí cao.
Điều các nền kinh tế này cần làm là đẩy mạnh huy động các nguồn lực trong nước, tăng hiệu quả quản lý nợ và đầu tư, đồng thời xây dựng các khung chính sách vĩ mô – tài khóa có khả năng kháng cự tốt hơn.
Trong năm nay, việc duy trì tỉ lệ lạm phát ở mức thấp và ổn định như thời gian trước sẽ không còn dễ dàng đối với các quốc gia đang phát triển và quốc gia mới nổi. Các áp lực theo chu kỳ có vai trò quan trọng trong việc kìm hãm lạm phát suốt một thập kỷ qua đang dần biến mất.
Trong khi đó, các nhân tố dài hạn hỗ trợ việc giảm lạm phát trong năm thập kỷ qua như thương mại toàn cầu, hội nhập tài chính hay các chính sách tiền tệ mạnh mẽ cũng đã mất đà hoặc đảo chiều. Duy trì tỉ lệ lạm phát toàn cầu ở mức thấp trở thành thách thức khó khăn không kém việc đạt tỉ lệ này trước đây.
WB cũng cho rằng, các chính sách nhằm mục đích kìm hãm biến động giá lương thực có thể mang lại những hậu quả không mong muốn nếu các quốc gia không có sự phối hợp thực hiện.
Các biện pháp can thiệp của chính phủ có thể giúp giải quyết trong ngắn hạn nhưng nếu thực hiện trên diện rộng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đẩy giá lương thực, mà người nghèo là đối tượng chịu tác động mạnh mẽ nhất.
Ví dụ, các chính sách thương mại được đưa ra trong giai đoạn giá lương thực leo thang thời kỳ 2010 – 2011 có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá lúa mì và ngô lên 25%. Khủng hoảng giá lương thực 2010 – 2011 đã đẩy 8,3 triệu người (gần 1% dân số nghèo thế giới) vào tình trạng nghèo đói.
“Việc xây dựng chính sách thuế và chính sách xã hội nhằm cân bằng khu vực kinh tế chính thức và kinh tế không chính thức, song hành với huy động vốn trong nước và quản lý nợ sẽ là những ưu tiên hàng đầu cho các nhà làm chính sách để đối phó với những thách thức do kinh tế không chính thức đặt ra ở các quốc gia đang phát triển. Nhất là trong viễn cảnh kinh tế tối dần, những hành động như vậy càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Ayhan Kose, Giám đốc Bộ phận Triển vọng của WB phát biểu.
Tuy vậy, theo WB, Đông Á Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Tăng trưởng khu vực được kỳ vọng duy trì ở mức 6% trong năm 2019, với giả định giá cả hàng hóa giữ ở mức ổn định, thương mại và sức mua toàn cầu tăng trưởng trung bình và các điều kiện tài chính toàn cầu dần thắt chặt.
Tăng trưởng của Trung Quốc dự đoán giảm xuống 6,2% do quốc gia này tiếp tục theo đuổi chiến lược tái cân bằng. Các quốc gia khác trong khu vực được dự đoán tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2019, do nhu cầu tăng khả năng kháng cự sẽ bù trừ cho tác động tiêu cực của xu hướng sụt giảm xuất khẩu. Tăng trưởng của Indonesia dự báo duy trì ổn định ở mức 5,2%, trong khi đó tăng trưởng của Thái Lan có thể sẽ giảm xuống 3,8%.
Mai Chi