Những rắc rối của Huawei sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên khi các công ty Trung Quốc đang được chấp nhận là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Khi Ren Zhengfei, một cựu sĩ quan quân đội thành lập Huawei tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến vào năm 1987 - thời điểm mà Thâm Quyễn vẫn đang phải vật lộn để giành được một vị trí có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc lao đao. Thâm Quyến không chỉ nép mình sau Hồng Kông mà còn cả với các thành phố khác của Trung Quốc đại lục.
Vậy mà ít ai có thể ngờ rằng 4 thập kỷ sau, làng chài vang bóng một thời lại nổi lên như một trung tâm công nghiệp của Trung Quốc. Và cũng ít người có thể dự đoán rằng Huawei, hiện là một phần quan trọng của nền kinh tế thành phố, sẽ trở thành một gã khổng lồ về thiết bị viễn thông toàn cầu mà Washington coi là mối đe dọa an ninh và là kẻ thách thức tiềm năng đối với trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, vào đúng thời điểm Thâm Quyến kỷ niệm 40 năm thành lập thành phố thì lại có một câu hỏi lớn đặt ra: “không rõ liệu thành phố 13 triệu dân này có thể tiếp tục tỏa sáng khi đất nước họ bước vào một kỷ nguyên mới đầy biến động hay không ?”
Khi Mỹ sử dùng nhiều biện pháp mạnh hơn để đối đầu với Trung Quốc, khả năng tiếp cận dễ dàng với vốn, công nghệ và thị trường nước ngoài – một yếu tố vốn rất quan trọng đối với sự phát triển của Thâm Quyến - đang dần sụp đổ.
Đối với Huawei, vận may của họ đang cạn kiệt khi Washington đã không ngừng cố gắng ngăn chặn sự tham gia của họ vào các mạng truyền thông 5G thế hệ tiếp theo trên toàn cầu, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận của Huawei với các thành phần công nghệ quan trọng của Mỹ.
Một điều lệnh của chính phủ Mỹ đưa ra mới đây sẽ cấm Huawei và các chi nhánh của họ mua chất bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị hoặc phần mềm của Mỹ bắt từ tháng 9 tới, một số nhà phân tích đã cho rằng điều này chính là một bản án tử hình đối với Huawei.
Sự suy thoái trong hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ không chỉ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Thâm Quyến mà còn làm suy giảm niềm tin vào sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc – một điều mà Bắc Kinh đang cố gắng thúc đẩy thông qua dịp lễ kỷ niệm 40 năm thành lập thành phố Thâm Quyến.
Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại ở Thâm Quyến, chuyên theo dõi tình trạng của các nhà sản xuất Trung Quốc, cho biết các lệnh trừng phạt làm suy yếu Huawei sẽ gây ra một hiệu ứng lạnh cho toàn bộ chuỗi cung ứng điện tử của Trung Quốc.
Liu nói: “Không có công ty nào khác ở Trung Quốc có thể thay thế Huawei để dẫn đầu về công nghệ và toàn cầu hóa của đất nước.” Ông nói thêm: “Nếu Huawei không thể chịu được các lệnh trừng phạt của Mỹ thì ai có thể làm được điều đó ?”
Nền kinh tế Thâm Quyến năm ngoái đã vượt qua quy mô của Hồng Kông, nhưng việc mất đi Huawei sẽ là một vấn đề rất nghiêm trọng, vì công ty là một trong những viên ngọc sáng nhất của trung tâm công nghệ Thâm Quyến.
Theo dữ liệu mới nhất từ văn phòng thống kê Thâm Quyến cho thấy, Huawei là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào tổng sản phẩm quốc nội của Thâm Quyến vào năm 2016. Vào năm đó, đây là công ty duy nhất đóng góp hơn 100 tỷ nhân dân tệ (14,4 tỷ USD) cho nền kinh tế địa phương.
Huawei đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển tại thành phố trong giai đoạn 2014-2016 nhiều hơn so với bất kỳ công ty nào khác ở Thâm Quyến, thậm chí khoản đầu tư của nó còn vượt qua cả gã khổng lồ viễn thông Tencent hay nhà sản xuất máy bay không người lái DJI và nhà sản xuất xe điện BYD.
Peng Peng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Cải cách Hệ thống Quảng Đông, một tổ chức tư vấn trực thuộc chính quyền tỉnh Quảng Đông, cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei sẽ được áp dụng trên toàn quốc và báo hiệu rằng các doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn cầu sẽ không còn được chào đón như trước.
Theo ông: “Vẫn khó có thể dự đoán mức độ của tác động này. Nhưng thị trường toàn cầu đối với ngành sản xuất của Trung Quốc đã có thái độ khác so với trước kia.”
Liu, nhà nghiên cứu có trụ sở tại Thâm Quyến, đồng ý rằng những rắc rối của Huawei sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế quốc gia, báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên khi các công ty Trung Quốc đang được chấp nhận là nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
Ông Liu nói, logic của sự hợp tác như vậy đã bị gián đoạn và quá trình phân tách đã bắt đầu. Ông đưa ra dự đoán rằng một số công ty Trung Quốc có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều công ty đặt tại Thâm Quyến, sẽ sớm thu xếp và rời đi. Theo ông, việc di dời này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc.
Đầu tháng này, Catcher Technology do Đài Loan tài trợ, một nhà cung cấp linh kiện cho Apple, đã thông báo sẽ bán toàn bộ cổ phần của mình trong hai công ty Trung Quốc cho Lens Technology có trụ sở tại Hồ Nam với giá 1,43 tỷ USD tiền mặt.
Vào tháng 7, Wistron - một nhà cung cấp khác của Apple có trụ sở tại Đài Loan, cũng cho biết họ sẽ bán hai trong số các công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của mình ở miền đông Trung Quốc cho công ty đại lục Luxshare Group.
Ông Liu chia sẻ thêm: “Cũng giống như đầu những năm 2000, khi người mua Mỹ yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan và Hàn Quốc chuyển từ Đài Loan và Hàn Quốc sang Trung Quốc, thì giờ đây, chính những người mua Mỹ lại đang yêu cầu họ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Ấn Độ và Đài Loan.”
Tuy nhiên, tương lai của Thâm Quyến và Huawei không hoàn toàn ảm đạm, vì thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc vẫn luôn là nguồn tăng trưởng của quốc gia.
Li Daokui, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng trước rằng thị trường nội địa của Trung Quốc với 1,4 tỷ người tiêu dùng, cùng với thị trường ở các quốc gia trong dự án vành đai và con đường sẽ đủ để hỗ trợ các công ty Trung Quốc như Huawei.
Ông Li nói tiếp: “Cứ để thị trường Châu Âu và Châu Mỹ đi. Rất khó để hòa giải trong tương lai nếu họ không tin tưởng chúng tôi. Đây sẽ là kỷ nguyên mới của toàn cầu hóa.”
Thùy Dung
Theo SCMP