Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” trong năm tới nhằm giúp cải thiện tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, theo thông tin được Tân Hoa Xã đăng tải ngày 9/12. Kết quả trên đánh dấu lần đầu tiên chính quyền trung ương Trung Quốc theo đuổi quan điểm chính sách "dễ thở" hơn sau 14 năm.
Bên cạnh đó, các quan chức cấp cao nhất tại nền kinh tế số hai thế giới cũng thống nhất sẽ tiến hành xây dựng lộ trình chính sách tài khóa chủ động đồng thời đẩy mạnh các điều chỉnh ngược chu kỳ đặc biệt, Tân Hoa Xã đưa tin.
“Những chính sách tài khóa mang tính chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải cần được triển khai. Bộ công cụ chính sách cần được cải thiện trong khi các điều chỉnh ngược chu kỳ quyết liệt cần được đẩy mạnh”, Tân Hoa Xã cho biết.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc cũng sẽ “quyết liệt” đẩy mạnh tiêu dùng, nâng cao nhu cầu nội địa “trên mọi phương diện”. Theo cơ quan thông tấn này, trong năm 2025, các cơ quan công quyền sẽ phải tuân thủ “nguyên tắc theo đuổi sự phát triển nhưng vẫn duy trì ổn định đồng thời đẩy mạnh sáng tạo”.
Đây là những ý chính trong biên bản kết luận cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, diễn ra trước thềm Diễn đàn nhiệm vụ kinh tế trung ương, nơi chính phủ Trung Quốc sẽ công bố các mục tiêu chính cũng như định hướng chính sách cho năm mới.
Việc sử dụng một số từ ngữ mới đối với quan điểm chính sách tiền tệ đánh dấu lần thay đổi đầu tiên theo hướng nới lỏng hơn kể từ cuối năm 2010. Đây là thời điểm gần nhất Trung Quốc áp dụng cách tiếp cận chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải” sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 trước khi chuyển thành “cẩn trọng” hai năm sau đó.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc chia chính sách tiền tệ thành 5 nấc: Nới lỏng, nới lỏng vừa phải, cẩn trọng, thắt chặt vừa phải và thắt chặt.