Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc quyết giành vị thế thống trị thị trường 30 tỷ USD từ Singapore

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Singapore có nguy cơ mất vị thế thống trị trên thị trường cung cấp nhiên liệu hàng hải ở châu Á do Trung Quốc thu hút nhiều tàu hơn sau khi mở rộng cảng và các cơ sở lọc dầu.

Trung Quốc quyết giành vị thế thống trị thị trường 30 tỷ USD từ Singapore - 1

Singapore hiện vẫn là nhà cung cấp nhiên liệu hàng hải hàng đầu ở châu Á - lĩnh vực trị giá hơn 30 tỷ USD (Ảnh: Bloomberg).

Doanh số bán nhiên liệu hàng hải của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua. Quốc gia này cũng đang nỗ lực thu hút tàu đến các cảng của các nền kinh tế lớn lân cận như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Bloomberg, Singapore hiện vẫn dẫn đầu với tư cách nhà cung cấp nhiên liệu hàng hải chủ lực ở châu Á - lĩnh vực trị giá hơn 30 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Quốc đang tăng tốc để giành vị thế này.

Một số nhà máy lọc dầu mới nhất và lớn nhất Trung Quốc đang được gấp rút xây dựng tại cảng Chu San, nằm trên một quần đảo ở phía nam Thượng Hải. Chính phủ nước này cũng đang áp dụng các biện pháp thuế để nhiên liệu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn.

Jayendu Krishna, Giám đốc tại Drewry Maritime Advisors, cho biết: "Singapore có lợi thế hơn các cảng ở châu Á về mọi mặt. Tuy nhiên các cảng khác đang dần đuổi kịp. Cảng Chu San chắc chắn sẽ thu hút được nhiều tàu từ các cảng khác ở Đông Bắc Á".

Singapore hiện cũng là nhà cung cấp nhiên liệu hàng hải lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nước này đã bán được khoảng 50 triệu tấn nhiên liệu bunker, chiếm 1/5 tổng doanh số toàn cầu.

Hãng tư vấn OilChem ước tính, doanh số bán nhiên liệu của Trung Quốc đã tăng trong năm thứ 5 liên tiếp, đạt 16,9 triệu tấn.

Cơ quan tình báo hàng hải Sea Cread định giá thị trường nhiên liệu bunker ở mức 31-32 tỷ USD trong năm 2020.

Các cảng nhộn nhịp nhất thế giới chủ yếu nằm ở Trung Quốc nhờ vào ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ và chính sách tăng cường năng lực khai thác cảng của Trung Quốc. Chính quyền nước này đang chi 520 triệu Nhân dân tệ (80 triệu USD) để mở rộng khu neo đậu và xây dựng các kênh vận chuyển mới tại cảng Chu San.

Trong khi đó, các cơ sở lọc dầu đang tăng cường sản xuất loại nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp để phù hợp với quy tắc toàn cầu mới là bắt buộc các tàu phải sử dụng nhiên liệu sạch.

Một cựu quan chức hải quan ở tỉnh Chiết Giang cho biết, hoạt động kinh doanh nhiên liệu hàng hải của Trung Quốc đang bắt kịp Singapore. Dự đoán, trong năm nay, doanh số bán nhiên liệu của Trung Quốc sẽ bằng 40% của Singapore, hoặc khoảng 20 triệu tấn dựa trên dữ liệu của năm 2020.

Trung Quốc cũng đã cấp giấy phép khai thác mảng kinh doanh này cho hơn 10 công ty hoạt động tại khu vực thương mại tự do Chu San. Nước này cũng đưa loại nhiên liệu chứa hàm lượng lưu huỳnh thấp lên sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải để cải thiện tính minh bạch về giá.

Theo dữ liệu từ Marine Bunker Exchange, loại nhiên liệu này hiện được bán tại cảng với mức 536 USD/tấn, cao hơn 3 USD so với ở Singapore.

Bà Yvonne Rittfeldt, người đứng đầu bộ phận thu mua nhiên liệu bunker của hãng tàu Stena Bulk, cho biết Chu San đã cạnh tranh hơn về giá trong năm nay và các tàu của họ đi đến Trung Quốc có thể sử dụng cảng này để tiếp nhiên liệu thường xuyên hơn. Tuy nhiên, Singapore uy tín hơn trong việc cung cấp nhiên liệu hiệu quả và kịp thời.

Singapore có ưu thế về vị trí địa lý khi nằm ở ngã tư tuyến thương mại kết nối khu vực châu Âu, Trung Đông và bờ vịnh của Mỹ. Việc xây dựng cảng container đầu tiên ở Đông Nam Á vào năm 1972 đã đưa nước này trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng hải hàng đầu. Singapore cũng lên kế hoạch để trở thành nhà ga tự động lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, quốc gia này còn có mạng lưới dự trữ và lọc dầu rộng lớn để duy trì sự ổn định trong việc tiếp nhiên liệu cho các tàu.

Nhật Linh
Theo Bloomberg