Fica
  1. Quốc tế

Trung Quốc đối diện rủi ro vì “tảng băng chìm” nợ chính quyền địa phương

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các chuyên gia cho rằng tổng nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể cao gấp vài lần so với con số được công bố chính thức, lên tới 5,78 nghìn tỷ USD. Đây là con số được đánh giá là đầy rủi ro với kinh tế Trung Quốc.

 

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

CNBC dẫn báo cáo ngày 16/10 của S&P Global Ratings (Mỹ) cho biết, tổng nợ không được báo cáo của các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể đạt tới ngưỡng 30 nghìn tỷ-40 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương với 4,34 nghìn tỷ-5,78 nghìn tỷ USD.

Trước đó, cuối năm 2017, tổng số nợ chưa trả của chính phủ Trung Quốc công bố trên bảng cân đối tài chính là 29,95 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó các chính quyền địa phương phát sinh khoản nợ 16,5 nghìn tỷ nhân dân tệ từ các kênh phi trái phiếu, theo Reuters.

Các nhà phân tích Gloria Lu, Laura Li ví con số 30-40 nghìn tỷ nhân dân tệ giống như một “tảng băng chìm” và rủi ro tín dụng cho nền kinh tế Trung Quốc được gọi là “tàu Titanic”. Họ cho rằng, nếu với số nợ trên, tỷ lệ nợ/tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc trong năm 2017 là 60%, một chỉ số ấn chứa rất nhiều mối đe dọa

Các chuyên gia nhận định, để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế ở các khu vực, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã thực hiện những khoản đầu tư quy mô lớn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng các công cụ tài chính như “công cụ tài chính của chính quyền địa phương” (LGFV).

Chi tiết của những khoản chi từ LGFV dường như không rõ ràng và các chuyên gia của S&P tin rằng phần lớn các khoản nợ “chìm” có thể xuất phát từ những công cụ tài chính này. Khi ra mắt, chức năng của LGFV là nhằm giúp các chính quyền địa phương huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thông qua phát hành trái phiếu hay vay nợ với tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản. Chúng được coi là một công cụ cấp vốn cho chính quyền địa phương trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cơ chế của công cụ này chưa rõ ràng, còn nhiều thiếu sót, dễ dẫn tới rủi ro bị thất thoát tài chính và có thể phát sinh các khoản nợ “chìm”.

Bên cạnh đó, báo cáo của S&P chỉ rõ các phương án nhằm làm giảm khoản nợ này hiện vẫn được áp dụng khá hạn chế. Giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể phải cần thêm ít nhất 10 năm nữa để giải quyết những khoản nợ "chìm" từ chính phủ địa phương.

Đức Hoàng

Tổng hợp