Dòng vốn gián tiếp rời khỏi Trung Quốc (portfolio flow)
Trong báo cáo vừa công bố, VDSC cho biết, dòng vốn gián tiếp chảy khỏi Trung Quốc và tỷ giá nội địa (onshore) có mối tương quan nghịch với nhau. Dòng tiền bắt đầu ghi nhận chảy khỏi Trung Quốc vào năm 2014, đây cũng là thời điểm nhân dân tệ mất giá so với đồng USD. Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015, ghi nhận hơn 896 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc, mức cao nhất kể từ khi ước tính.
Điều này đã khiến chính phủ Trung Quốc ra một loạt các chính sách để kiểm soát dòng tiền rời khỏi nước này. Các chính sách này đã giúp dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc giảm hơn 46% so với năm 2016. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay đã có hơn 2,8 nghìn tỷ USD rời khỏi quốc gia này.
Những căng thẳng gần đây với Mỹ đã khiến đồng nhân dân tệ vượt qua đỉnh hồi đầu năm và tăng 2,09% so với ngày 5/3/2019 thời điểm ông Trump thông báo sẽ đánh thuế lên 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau đó Trung Quốc cũng đã đáp trả với việc đánh thuế lên 60 tỷ hàng hóa của Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ Trung khả năng cao vẫn sẽ tiếp diễn có thể khiến đồng nhân dân tệ tiếp tục biến động mạnh. Kéo theo đó dòng tiền có thể tiếp tục chảy khỏi Trung Quốc. Từ đầu năm, riêng dòng vốn ETF ghi nhận rút ròng 4 tỷ USD.
Mặt khác, Việc trái phiếu Trung Quốc được thêm vào rổ Bloomberg Barclays Global Aggregate Index, và China A-Share được tăng tỷ trọng trong MSCI Emerging Market index sẽ phần nào hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ.
Đầu tư FDI ra nước ngoài của Trung Quốc bị kiểm soát
Những chính sách kiểm soát dòng tiền ra khỏi quốc gia của chính phủ Trung Quốc tác động mạnh đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài từ Trung Quốc. Dòng vốn này tăng trưởng trung bình trên 20%/năm trong giai đoạn 2009-2016.
Tuy nhiên, con số này đã giảm 29% trong năm 2017 và không có dấu hiệu cải thiện trong năm 2018. Sau 3T2019, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc chỉ đạt 25 tỷ đô la Mỹ, gần 21% của năm 2018.
VDSC cho rằng, Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiểm soát dòng tiền đầu tư ra nước ngoài cộng thêm những bất ổn đang diễn ra, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc sẽ khó cải thiện trong năm nay.
Tuy nhiên đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn sẽ tăng
Theo VDSC, Việt Nam được xem như điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ cộng thêm vị trí địa lý gần gũi và văn hóa khá tương đồng với Trung Quốc.
Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng tăng lên ngay cả khi Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi nước này. Chỉ có 2 năm 2014 và 2015 ghi nhận FDI sụt giảm do những căng thẳng trên biển Đông giữa hai quốc gia.
FDI đăng ký ghi nhận tăng trưởng gần 15% hằng năm kể từ 2016 đến nay. Thậm chí, chỉ sau 4T2019 FDI đăng ký đã đạt 70% của năm 2018.
Mai Chi