Fica
  1. Quốc tế

Tiền đang đắt lên nhưng có hoàn toàn do Fed?

Giá của tiền tệ được định hình như thế nào? Cũng giống như các loại hàng hóa khác, giá của tiền tệ phản ánh mức độ cân bằng của cung và cầu, mà cụ thể là giữa tiết kiệm và đầu tư.

Theo bạn, giá của hàng hóa nào đóng vai trò quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu? Giá dầu? Giá vàng hay giá của các sản phẩm chip bán dẫn?... Câu trả lời chính là giá cả của tiền tệ.

Trong hơn ba thập kỷ trở lại đây, giá tiền tệ liên tục sụt giảm. Phải cho tới khi đại dịch Covid-19 qua đi, xu hướng đó mới có cơ hội đảo chiều. Vậy giá của tiền tệ được định hình như thế nào? Chắc chắn câu trả lời là các ngân hàng trung ương. Điều này không sai trong trường hợp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhưng cũng giống như các loại hàng hóa khác, giá của tiền tệ cũng phản ánh mức độ cân bằng của cung và cầu, mà cụ thể là giữa tiết kiệm và đầu tư.

Đối với giới chuyên gia kinh tế, mức giá của tiền tệ, qua đó phản ánh mức độ cân bằng giữa hai yếu tố trên đồng thời giúp giữ ổn định lạm phát còn có một tên gọi khác: lãi suất tự nhiên. Để hiểu tại sao thuật ngữ trên lại có ảnh hưởng lớn tới các nhà hoạch định chính sách, hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Fed giữ lãi suất thấp hơn mức lãi suất tự nhiên đó. Khi tiền rẻ, nhu cầu đầu tư sẽ tăng cao trong khi ý muốn tiết kiệm sụt giảm, hệ quả: áp lực giá cả sẽ đi lên. Ngược lại, nếu Fed neo lãi suất cao hơn ngưỡng tự nhiên, người dân sẽ tiết kiệm nhiều hơn thay vì đem tiền đi đầu tư, và nền kinh tế khi đó sẽ “nguội lạnh” kéo tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tiền tệ được định giá thông qua nhu cầu tiết kiệm và đầu tư

Hơn 30 năm qua, chi phí vay vốn tại Mỹ luôn trong xu hướng giảm. Theo ước tính của Bloomberg, mức lãi suất tự nhiên đối với loại hình trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm “tụt” từ hơn 5% trong năm 1980 xuống chưa tới 2% trong vòng một thập kỷ vừa qua.

Điều gì khiến lãi suất sụt giảm thời gian qua và tương lai sẽ như thế nào? Để trả lời cho câu hỏi trên, nhóm chuyên gia tới từ Bloomberg đã xây dựng một mô hình bao gồm một số thành tố quan trọng giúp hình thành nên hành vi tiết kiệm và nhu cầu đầu tư. Phạm vi nghiên cứu kéo dài trong nửa thập kỷ tại 12 nền kinh tế phát triển, tham gia sâu vào hệ thống tài chính toàn cầu. Kết quả cho thấy một trong những lý do khiến cho lãi suất tự nhiên sụt giảm trong giai đoạn gần đây tới từ tốc độ tăng trưởng thấp.

Trong thập niên 60 và 70 của thập kỷ trước, lực lượng lao động đông đảo, tốc độ tăng trưởng năng suất cao kéo theo tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của nhóm các quốc gia nằm trong phạm vi nghiên cứu ở ngưỡng gần 4%. Nền kinh tế mạnh chính kéo theo nhu cầu đầu tư và giá của tiền tệ.

Nhưng kể từ đầu thế kỷ 21, nhiều động lực tăng trưởng kinh tế dần mất đi xung lực. Sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình chỉ còn khoảng 2%. Khi nền kinh tế suy yếu khiến cho hoạt động đầu tư trở nên kém hấp dẫn. Vì thế, giá của tiền tệ cũng giảm dần.

Quá trình thay đổi nhân khẩu học cũng đóng góp vào sự đảo chiều trên. Kể từ những năm 1980, thế hệ bùng nổ dân số bắt đầu tích trữ tiền khi tuổi nghỉ hưu tới gần, hay nói cách khác, nhu cầu tiết kiệm cũng tăng cao, tạo ra áp lực suy giảm đối với lãi suất tự nhiên.

Nhiều yếu tố khác cũng được nhắc tên. Kinh tế Trung Quốc từng có giai đoạn phát triển mạnh, thu về nhiều tiền, và đích đến của phần lớn dòng tiền đó là phiếu chính phủ Mỹ. Đây có thể coi là một kênh tiết kiệm an toàn. Còn tại nền kinh tế số một thế giới, tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nới rộng trong khi nhóm dân cư giàu có lại gia tăng tỷ lệ tỷ lệ tiết kiệm trong tổng thu nhập của họ.

Đi liền với sự phát triển của khoa học - công nghệ, các sản phẩm máy tính ngày một rẻ hơn và mạnh hơn, đồng nghĩa với thực tế các doanh nghiệp phải chi ít tiền hơn cho công tác nâng cấp hệ thống, qua đó kéo giảm nhu cầu đầu tư.

Lãi suất tự nhiên đang có xu hướng tăng trở lại

Đối với nước Mỹ, giai đoạn giá tiền tệ sụt giảm mang lại những hệ quả to lớn.

Trong nhiều nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của thị trường cho vay thế chấp và khủng hoảng tài chính toàn cầu, đà sụt giảm chi phí đi vay có “góp mặt”.

Tiền rẻ cũng khiến cho nợ công của Mỹ, dù tăng gấp ba lần, từ khoảng 33% GDP vào những năm 2000 lên gần 100% ở thời điểm hiện tại, chi phí vay nợ vẫn thấp khiến cho chính phủ nước này vẫn mạnh tay chi tiêu cho giáo dục, cơ sở hạ tầng và quốc phòng.

Đối với Fed, lãi suất tự nhiên thấp đồng nghĩa với dư địa cắt giảm lãi suất của họ trong các giai đoạn suy thoái bị thu hẹp, kéo giảm mức độ hiệu quả của hệ thống chính sách tiền tệ.

Nhưng tất cả những điều đó đã thay đổi. Những động lực kéo giảm giá tiền tệ hiện đã đảo chiều, cùng với nhiều yếu tố khác.

Thế hệ bùng nổ dân số hiện đã rút khỏi lực lượng lao động. Họ giờ đây sống bằng chính khoản tiền đã tiết kiệm trong giai đoạn trước. Mối quan hệ giữa Washington và Bắc kinh liên tục căng thẳng với khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ của nền kinh tế số hai thế giới sụt giảm.

Nợ công của Mỹ tăng mạnh sau giai đoạn khủng hoảng tài chính và gần nhất là đại dịch Covid-19. Họ thậm chí còn chưa dừng lại với Đạo luật kéo giảm lạm phát. Nợ công cao khiến cho chi phí vay vốn trong dài hạn của Mỹ cũng tăng theo.

Nợ cũng như chi phí trả nợ của Mỹ tăng cao thời gian gần đây

Vậy, lãi suất tự nhiên còn tăng tới ngưỡng nào? Mô hình của Bloomberg cho thấy chỉ số trên có thể tăng khoảng 1 điểm phần trăm từ 1,7% vào giữa thập niên trước lên 2,7% vào năm 2050. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể dao động trong ngưỡng 4,5-5% và thậm chí có thể cao hơn.

Nếu như chính phủ Mỹ không trấn chỉnh lại hệ thống tài chính, thâm hụt ngân sách sẽ không ngừng lan rộng. Trong khi đó, cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ cần tới một nguồn vốn đầu tư vô cùng lớn. BloombergNEF ước tính mạng lưới năng lượng hướng tới mục tiêu trung hòa khí carbon có thể tiêu tốn tớ 30.000 tỷ USD. Nợ công cao, đầu tư chống biến đổi khí hậu lớn, tăng trưởng nhanh hơn chính là những động lực kéo lãi suất tự nhiên đi lên và có thể chạm ngưỡng 4%, đồng nghĩa với việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ có thể vượt 6%.

Ngay trong dự báo cơ sở, quá trình chuyển đổi từ môi trường lãi suất tự nhiên thấp sang cao cũng sẽ mang lại những hệ quả lớn đối với kinh tế Mỹ cũng như hệ thống tài chính. Kể từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giá nhà tại Mỹ liên tục leo thang với đà sụt giảm lãi suất là tác nhân chính. Với thực tế xu hướng đó đã đảo chiều, đà tăng giá nhà sẽ đi tới hồi kết. Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra đối với thị trường chứng khoán. Đầu những năm 1980, chỉ số S&P 500 thăng hoa trên nền lãi suất thấp. Nhưng đà tăng giá trị ở thời điểm hiện tại có thể được coi là “xa xỉ”.

Và khi đó, nạn nhân lớn nhất sẽ là Bộ Tài chính Mỹ. Dù tỷ lệ nợ công/GDP có thể không tăng, chi phí vay vốn cao cũng sẽ khiến khoản tiền mà cơ quan này phải chi trả cao hơn. Đó chính là tình huống đã xảy ra vào năm ngoái khi Bộ Tài chính Mỹ phải chi trả thêm 550 tỷ USD cho trái chủ.

Tất nhiên, ngoài mặt tối, vấn đề cũng có những mặt sáng. Những người gửi tiền trong ngân hàng sẽ thu về được lượng tiền lãi nhiều hơn trong khi nhà đầu tư trái phiếu cũng ghi nhận tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Lãi suất cao đồng nghĩa với thực tế khi suy thoái tới, dư địa cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế cũng rộng lớn hơn, qua đó kéo tăng mức độ hiệu quả của bộ chính sách tiền tệ. Sau nhiều năm lãi suất sụt giảm, Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung cần phải có sự chuẩn bị tốt nhất. Đây là một giai đoạn thay đổi không dễ dàng.

Đại Phú