Fica
  1. Quốc tế

Thương mại toàn cầu đang suy yếu

Mai Chi
Mai Chi

Nhìn chung, hiện tại Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trong khu vực và hưởng lợi từ căng thẳng thương mại với sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, VDSC vẫn giữ quan điểm căng thẳng thương mại kéo dài sẽ không mang lại lợi ích cho quốc gia nào.

Một báo cáo phân tích vừa được Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố cho thấy, tăng trưởng kinh tế yếu và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn phủ bóng lên bức tranh thương mại toàn cầu.

Xét trên bình diện thế giới, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của hầu hết các khu vực trọng điểm đều hình thành xu hướng giảm trong 12 tháng qua.

Theo IMF, trên thế giới hiện có 3 trung tâm sản xuất lớn, gồm Mỹ, Đức và Trung Quốc, đại diện cho ba châu lục. Dựa trên số liệu cập nhập mới nhất của VDSC, tăng trưởng xuất khẩu tháng tư của Trung Quốc giảm 2,7% YoY trong khi con số này tại Đức và Mỹ lần lượt ở mức 3,1% YoY và 1,3% YoY.

Trong khu vực Châu Á, Việt Nam tiếp tục nổi trội khi ít nhất giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dương. Các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã chứng kiến nhiều tháng xuất khẩu sụt giảm liên tiếp trong khi các nước phát triển, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không khả quan hơn.

Cặp bài trùng, căng thẳng thương mại và chu kỳ kinh tế, đang khiến giới chủ doanh nghiệp thận trọng và niềm tin kinh doanh lung lay.

Theo số liệu mới nhất từ HIS Markit, chỉ số sản xuất PMI tại Mỹ liên tục sụt giảm và chỉ đạt 50,8 điểm trong khi con số này của khu vực Châu Âu liên tục ở dưới ngưỡng 50, hàm ý khu vực sản xuất thu hẹp quy mô.

VDSC nhận thấy một trong những điểm nhấn chính liên quan tới niềm tin kinh doanh của giới chủ doanh nghiệp. Tại Mỹ, chỉ số niềm tin kinh doanh, thu thập thông qua khảo sát giới doanh nghiệp, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này bắt đầu được đo lường vào tháng 6/2012.

Trong khi đó, số liệu tại Châu Âu cũng xác nhận xu hướng tâm lý lạc quan suy giảm rõ rêt, các doanh nghiệp hạn chế tuyển mới và mức tăng của chỉ số tạo việc làm chạm ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 9/2016.

Để đánh giá bức tranh sâu sắc hơn, VDSC nhấn mạnh mối quan hệ thương mại của các quốc gia, các khu vực với Mỹ - thị trường nhập khẩu ròng hàng hóa lớn nhất thế giới.

Theo số liệu từ ITC, hầu hết các khu vực, ngoại trừ Đông Nam Á (ASEAN), ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu suy giảm tại thị trường này. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu hàng của khu vực Đông Á sang Mỹ giảm 6% YoY trong quý 1/2019 trong khi tăng trưởng xuất khẩu tương ứng của khu vực Tây Âu đạt 5% YoY, chỉ bằng 1/3 mức cùng kỳ năm trước. Ngược lại, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ của khu vực ASEAN đạt 13% YoY trong quý 1/2019, mức cao nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, miếng bánh không dành cho tất cả các quốc gia trong khu vực. VDSC nhấn mạnh rằng kết quả tăng trưởng trên đạt được chủ yếu do Việt Nam với mức tăng 40%.

Ngoại trừ Việt Nam, con số tăng trưởng chỉ ở mức 2,3% YoY. Cụ thể số liệu xuất khẩu của Việt Nam, mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử dẫn đầu với doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ. Trong đó, doanh số bán sản phẩm mới của Samsung khá tốt giúp thị phần của hãng này đạt 23,2%, theo số liệu từ Canalys.

Loại trừ mức tăng đột biến từ mặt hàng điện thoại và linh kiện điện tử, tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng gần 17% YoY. Các nhóm hàng hóa như dệt may, giấy, sắt thép, gỗ, thủy sản và hàng thực phẩm chế biến sẵn đều tăng trưởng 2 con số.

Kết quả tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường Mỹ ở trên nhận được sự hỗ trợ từ biến động tỷ giá hiện nay. Tính trong 12 tháng gần nhất, tiền đồng đã tăng giá so với đồng Nhân dân tệ và Won Hàn Quốc, lần lượt 5% và 6,3%. Trung Quốc và Hàn Quốc đều là các nước cung cấp hàng hóa và nguyên vật liệu đầu vào cho quá trình sản xuất lớn của Việt Nam.

Diễn biến tỷ giá trên thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, tiền Đồng giảm giá 2% so với đồng Dollar Mỹ trong 1 năm qua.

Nhìn chung, hiện tại Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trong khu vực và hưởng lợi từ căng thẳng thương mại với sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất. Tuy nhiên, VDSC vẫn giữ quan điểm căng thẳng thương mại kéo dài sẽ không mang lại lợi ích cho quốc gia nào. Ngay cả tại Việt Nam, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vẫn dương nhưng rõ ràng đã hình thành xu hướng giảm.

Với vị thế của quốc gia đang phát triển và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa cao, tăng trưởng xuất khẩu ở mức hiện tại (dưới 10% YoY) có thể khiến cán cân vãng lai xấu đi. Tính tới giữa tháng 5 này, Việt Nam ghi nhập thâm hụt thương mại trên 1 tỷ USD. Bên cạnh nhập khẩu hàng linh kiện điện tử của các tập đoàn lớn, nhu cầu nhập khẩu than, dầu thô, máy móc, ô tô đang tăng mạnh và tạo áp lực lên bức tranh vĩ mô chung.

 

Mai Chi