Theo đó, mức chênh lệch giá giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của nền kinh tế số hai thế giới có thể tiệm cận 1.000 tỷ USD nếu như tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ghi nhận từ đầu năm, theo tính toán của Bloomberg.
Trong 10 tháng đầu năm, thặng dư thương mại của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới đạt 785 tỷ USD, con số cao nhất từng được ghi nhận vào giai đoạn này, vượt 16% so với năm 2023.
“Với việc giá xuất khẩu của Trung Quốc vẫn nằm trong xu hướng giảm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia này vì thế rất lớn”, Brad Setser, Chuyên gia cấp cao tới từ Ủy ban Quan hệ quốc tế (CFR), chia sẻ trong một bài viết trên mạng xã hội X.
Thời gian qua, kinh tế Trung Quốc dựa vào hoạt động xuất khẩu nhiều hơn, coi đây là động lực phát triển chính nhằm bù đắp cho đà suy yếu nhu cầu nội địa, vốn chưa có sự cải thiện đáng kể dù Bắc Kinh liên tục tung ra các giải pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, tương lai của lĩnh vực này lại đang đi liền với không ít hoài nghi. Việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thế giới đang vấp phải “cái nhìn” thiếu thiện cảm từ một loạt các quốc gia. Chính quyền mới của ông Donald Trump có thể sẽ tăng mạnh thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa, dịch vụ Trung Quốc trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có những động thái đầu tiên khi nâng thuế đối với các sản phẩm xe điện và pin xe điện, vốn là thế mạnh của Bắc Kinh.
Trong khi đó, với quan ngại liên tục gia tăng, đặc biệt kể từ khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh rút vốn khỏi Trung Quốc. Đây là nguyên nhân khiến cho lượng vốn FDI thực hiện tại đây sụt giảm trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, theo dữ liệu công bố ngày 8/11. Nếu như xu hướng trên nối dài trong ba tháng còn lại, 2024 sẽ là năm đầu tiên FDI vào Trung Quốc đi lùi sau ít nhất hơn 3 thập kỷ. Nhằm đảo ngược tình hình, Bắc Kinh cam kết tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nước ngoài nhằm đạt tốc độ tăng trưởng ngoại thương ổn định, đẩy mạnh phát triển nền kinh tế và tối ưu thị trường việc làm.
Trong khi xuất khẩu được đẩy mạnh thì hoạt động nhập khẩu lại "trồi sụt" do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Diễn biến trên cũng góp phần giúp thặng dư thương mại của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Trong 9 tháng đầu năm nay, thặng dư thương mại của Trung Quốc (tính theo đồng nhân dân tệ) chạm ngưỡng 5,2% GDP, cao nhất kể từ năm 2015 đồng thời vượt mức trung bình của 10 năm gần nhất.
Tính từ đầu năm, thặng dư đối với thị trường Mỹ tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, thặng dư với EU tăng 9,6% và lên tới gần 36% đối với khu vực ASEAN. Hiện tại, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại đối với gần 170 nền kinh tế, cao nhất kể từ năm 2021.
Kết quả trên hoàn toàn có thể châm ngòi một cuộc chiến tranh tiền tệ. Ngân hàng trung ương Ấn Độ cho biết họ sẵn sàng để đồng rupee trượt giá nếu Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ để đối phó với hàng rào thuế quan của Mỹ.
Đồng nhân dân tệ yếu khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, qua đó trở nên hấp dẫn hơn đối với các khách hàng nước ngoài. Thặng dư của Trung Quốc với quốc gia đông dân nhất thế giới đạt 85 tỷ USD từ đầu năm, cao hơn 3% so với năm 2023 và gấp hơn 2 lần so với 5 năm trước.