Fica
  1. Quốc tế

Sự chuyển mình của kinh tế Triều Tiên trong mắt nhà báo nước ngoài

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Các nhà báo nước ngoài đã có cơ hội tới thăm Triều Tiên để hiểu thêm về sự phát triển của nền kinh tế nước này trong bối cảnh vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

 

Các công nhân tại nhà máy mỹ phẩm Triều Tiên giám sát quy trình hoạt động.

Các công nhân tại nhà máy mỹ phẩm Triều Tiên giám sát quy trình hoạt động.

Các nhà báo nước ngoài gần đây đã có cơ hội tới thăm Triều Tiên và được tham quan một nhà máy mỹ phẩm và nông trại tại nước này. Đây được xem là những hình mẫu cho công cuộc hiện đại hóa đất nước của Triều Tiên, bất chấp các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Theo quan sát của các nhà báo nước ngoài, hơn 300 loại mỹ phẩm đã được sản xuất tại nhà máy ở Bình Nhưỡng. Các quy trình đều được tự động hóa và thực hiện bằng máy móc.

“Điều khiến chúng tôi chú ý là khu vực hàng mẫu, nơi trưng bày 138 sản phẩm mỹ phẩm thuộc các thương hiệu trên toàn thế giới. Họ nói với chúng tôi rằng những sản phẩm này được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mang về đây từ năm 2015 để nhà máy có thể đưa ra so sánh và cải thiện chất lượng sản phẩm của họ”, nhà báo Olivia Siong của hãng tin Channel News Asia viết.

Khu vực trưng bày tất cả mỹ phẩm của các thương hiệu trên thế giới tại nhà máy ở Bình Nhưỡng.

Khu vực trưng bày tất cả mỹ phẩm của các thương hiệu trên thế giới tại nhà máy ở Bình Nhưỡng.

Tại khu vực trưng bày hàng mẫu, nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng đã lắp một màn hình, trên đó các sản phẩm được so sánh với nhau dựa trên các tiêu chí như tính hiệu quả, trải nghiệm của người dùng và độ an toàn. Trong một số tiêu chí, các sản phẩm của nhà máy mỹ phẩm Triều Tiên thậm chí còn vượt trội hơn so với các hãng mỹ phẩm nước ngoài.

Chuyến tham quan tới nhà máy mỹ phẩm chỉ là một trong số các hoạt động của các nhà báo nước ngoài khi họ được chính quyền Triều Tiên mời tới Bình Nhưỡng để đưa tin về lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên hồi tháng 9. Đây được cho là nhà máy có công nghệ hiện đại nhất tại Triều Tiên và là bằng chứng cho tham vọng phát triển kinh tế của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Các công nhân làm việc tại nhà máy mỹ phẩm Triều Tiên.

Các công nhân làm việc tại nhà máy mỹ phẩm Triều Tiên.

Các nhà báo cũng được đưa đi thăm một nông trại ở ngoại ô Bình Nhưỡng, nơi họ nhìn thấy các tấm pin năng lượng mặt trời được Triều Tiên sử dụng để phát điện, và một nhà trẻ dành cho con em của các công nhân lao động ở Triều Tiên. Các nhà chức trách Triều Tiên cho biết đây là nông trại hình mẫu cho các nông trại khác tại Triều Tiên và đích thân ông Kim Jong-un từng tới thăm nông trại này.

“Thách thức lớn nhất là khi chúng tôi bị tụt hậu phía sau so với các nông trại đối thủ. Lãnh tụ tối cao từng tới thăm nông trại này, vì thế chúng tôi nhận thấy rằng chúng tôi phải sản xuất nhiều hơn các nông trại khác. Chúng tôi được lợi rất nhiều nhờ làm việc ở đây”, Ri Hye Young, người làm việc ở nông trại trong 14 năm qua, cho biết.

Tham vọng phát triển kinh tế

Rau được trồng trong nhà kính tại Triều Tiên.

Rau được trồng trong nhà kính tại Triều Tiên.

So với thời điểm thập niên 1990 khi cố lãnh đạo Kim Jong-il còn nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện nay được kế thừa một nền kinh tế hoàn toàn khác biệt. Trước đây, kinh tế Triều Tiên từng lâm vào khủng hoảng khi nạn đói hoành hành khiến 2 triệu người thiệt mạng. Tuy nhiên kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền thay cha vào năm 2011, nền kinh tế Triều Tiên đã thay da đổi thịt rõ rệt.

Nền kinh tế Triều Tiên đã trải qua một loạt sự điều chỉnh nội bộ trước khi chấp thuận cơ chế thị trường bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan của chính phủ.

Khu vui chơi giải trí trong khuôn viên một nông trại ở Triều Tiên.

Khu vui chơi giải trí trong khuôn viên một nông trại ở Triều Tiên.

“Nếu Triều Tiên không phát triển kinh tế, xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và tới một lúc nào đó, chính quyền Triều Tiên sẽ không thể quản lý được người dân của mình. Ngay cả những hệ thống chính trị chuyên quyền nhất, họ vẫn cần tính đến sự phát triển của nền kinh tế. Nếu người dân lúc nào cũng sống trong cảnh đói kém, rất có thể họ sẽ nổi loạn và lật đổ chính quyền. Do vậy, Triều Tiên đang đối mặt với một loạt thách thức mà nước này phải tìm cách giải quyết”, chuyên gia Graham Ong-Webb tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam nhận định.

Khu nhà ở tại nông trại ở Triều Tiên.

Khu nhà ở tại nông trại ở Triều Tiên.

Hội đồng Nghiên cứu Hàn - Triều Quốc tế có trụ sở tại Mỹ cho rằng dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên ngày càng có khuynh hướng cho phép tồn tại song song cả cơ chế thị trường không chính thức và cơ chế nhà nước tập trung.

“Với việc hiện đại hóa, mục tiêu hướng đến không phải là tăng cường xuất khẩu. Chúng tôi tiến hành hiện đại hóa để đảm bảo sức khỏe cho người dân, để người dân của chúng tôi trông xinh đẹp hơn, sáng sủa hơn và cũng là để cung cấp đủ sản phẩm cho người dân của chúng tôi”, bà Lee Seon Hee, kỹ sư trưởng của nhà máy mỹ phẩm Bình Nhưỡng, cho biết.

Nhà trẻ dành cho con em người lao động làm việc tại nông trại ở Triều Tiên.

Nhà trẻ dành cho con em người lao động làm việc tại nông trại ở Triều Tiên.

Việc Triều Tiên mời các nhà báo nước ngoài tới thăm nhà máy và nông trại hiện đại của nước này được cho là nhằm quảng bá sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên trong bối cảnh vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt.

“Đây là những hình ảnh mà họ muốn phô bày với toàn thế giới, để tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng họ vẫn đứng vững trên đôi chân của mình, rằng họ là một dân tộc kiên cường và họ thực sự đang làm tốt hơn những gì mà chúng ta nghĩ về họ. Họ muốn chứng minh rằng nền kinh tế (Triều Tiên) không hề sụp đổ và người dân đang có cuộc sống thịnh vượng”, Tiến sĩ Ong-Webb nhận định.

Thành Đạt

Ảnh: Olivia Siong/CNA