Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương có một năm 2024 không hề tệ với phần lớn các quốc gia trong khu vực đều nằm trong vùng tăng điểm trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương đã sớm tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ và cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI) giúp nâng đỡ loạt cổ phiếu công nghệ.
Dẫn đầu là chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) với chỉ số Taiex cao hơn 28,85% tại thời điểm ngày 23/12 so với thời điểm chuyển giao sang năm 2024. Theo sau đó, chỉ số Hang Seng (Hong Kong) với 16,63%...
Châu Á vốn thành công đẩy lùi áp lực lạm phát nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, qua đó tạo tiền đề cho các quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ, Mike Shiao, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý đầu tư Invesco, chia sẻ.
“Với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, các quốc qua châu Á có thêm dư địa để hạ thấp hơn lãi suất trong năm 2025”, ông viết trong một báo cáo gần đây. Môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng là điều kiện thuận lợi để chứng khoán đi lên.
Do sở hữu nhiều cổ phiếu công nghệ và các lĩnh vực có liên quan, chỉ số Taiex chính là ngôi sao sáng nhất trong khu vực. Nổi bật nhất, giá cổ phiếu của Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã tăng 82,12% kể từ đầu năm. Ngoài ra, nhà cung cấp lớn của Apple - Foxconn, hay còn gọi là Hon Hai Precision Industry, cũng ghi nhận mức tăng 77,51% trong cùng giai đoạn.
Trong khi nhu cầu máy chủ và trung tâm dữ liệu AI có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2025 sau một năm 2024 bùng nổ, nhu cầu đối với các sản phẩm điện thoại, máy tính và hàng điện máy có tích hợp AI có thể sẽ “chiếm sóng” vào năm sau, theo báo cáo triển vọng của Ngân hàng DBS.
Ngân hàng này nhấn mạnh mỗi chu kỳ tăng trưởng của lĩnh vực chip bán dẫn toàn cầu thường kéo dài khoảng 30 tháng. Do đó, chu kỳ hiện tại, vốn bắt đầu từ tháng 9/2023, vẫn có khả năng kéo dài tới hết năm 2025.
Trong khi cổ phiếu công nghệ là “bàn đạp” cho thị trường chứng khoán Đài Loan thì với trường hợp Hàn Quốc lại ngược lại. Hàn Quốc chính là thị trường lớn duy nhất tại châu Á giảm điểm trong năm nay. Chương trình “Nâng cao giá trị doanh nghiệp (“Corporate Value-up) dường như không thể giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trước nỗi sợ thuế quan, bất ổn chính trị và địa chính trị.
Tính tới ngày 23/12, chỉ số Kospi giảm 8,03%, biến Hàn Quốc trở thành thị trường chứng khoán có màn trình diễn “tệ” nhất khu vực.
Triển vọng năm 2025
Giám đốc đầu tư George Maris tại Principal Asset Management cho biết nhà đầu tư trong khu vực sẽ có hai mối quan tâm lớn trong năm 2025: Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump và thực trạng nền kinh tế Trung Quốc.
Cùng chung quan điểm, Nomura đánh giá các chính sách của chính quyền ông Trump sẽ có tác động lớn tới triển vọng tăng trưởng và lạm phát tại châu Á vào năm sau. “Chúng tôi dự báo hàng rào thuế quan sẽ được ông Trump nâng lên ngay từ đầu năm sau qua đó kéo tăng áp lực lạm phát đồng thời làm giảm tốc độ tăng trưởng đầu tư”.
Theo Nomura, hàng rào thuế quan cũng cao hơn sẽ làm suy yếu hoạt động xuất khẩu của châu Á. Trong khi đó, các biện pháp trả đũa sẽ làm suy giảm tâm lý đầu tư trong khu vực. Các quốc gia mạnh về sản xuất và thương mại sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Sức khỏe của nền kinh tế số hai thế giới cũng là chủ đề được các nhà đầu tư châu Á quan tâm. Trong năm 2024, chứng khoán Trung Quốc đã thành công phá vỡ chuỗi giảm kéo dài 3 năm liên tiếp với chỉ số CSI tăng 14,64% nhờ vào những nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Bắc Kinh.
Nhóm chuyên gia tới từ Nomura kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục tung ra các giải pháp hỗ trợ trong thời gian tới đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ ổn định thị trường bất động sản, cải thiện hệ thống tài khóa, nâng cao phúc lợi xã hội và nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng địa chính trị nếu quốc gia đồng dân thứ hai thế giới muốn đạt được sự hồi phục bền vững.