Fica
  1. Quốc tế

Chua chát nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đầu năm mới

Đại Phú
Đại Phú

Sự thất vọng từ mức độ hiệu quả thấp của các chính sách kinh tế, bên cạnh đó là tâm lý lo ngại về triển vọng chính sách thương mại dưới thời ông Trump khiến cho nhà đầu tư không ngừng bán ra cổ phiếu.

Niềm lạc quan vào thị trường chứng khoán Trung Quốc của Lu Delong, một nhà đầu tư toàn thời gian, nhanh chóng “bốc hơi” ngay trong tuần đầu tiên của năm mới dù chỉ vài tháng trước, sự tự tin của anh lên tới cao trào sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ hỗ trợ nền kinh tế. Anh đã buộc phải bán tháo lượng cổ phiếu mà mình đang nắm giữ, chấp nhận một khoản lỗ không hề nhỏ. 

Cũng giống như Lu, nhiều nhà đầu tư đã “xả” cổ phiếu ngay sau thời điểm chuyển giao sang năm mới, biến đây trở thành khởi đầu “tồi tệ nhất” của thị trường chứng khoán 11.000 tỷ USD trong vòng gần một thập kỷ. 

“Làn sóng bán tháo nằm ngoài tưởng tượng của tôi. Tôi còn chưa thấy ông Trump thông báo bất cứ điều gì bất lợi đối với Trung Quốc”, Lu ám chỉ tới những bất ổn xung quanh chính sách thương mại dưới thời tổng thống đắc cử. 

“Nếu có lý do rõ ràng thì đó có thể là do những chính sách của chính phủ chưa đủ sức nặng, Lu nói. Cuối tháng 9/2024, anh cảm thấy vô cùng lạc quan về thị trường nhưng giờ đây, anh quyết định “full cash” (nắm giữ toàn bộ tiền mặt) tại thời điểm Tết Nguyên đán đang tới gần. 

Chua chát nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc đầu năm mới - 1
Nhà đầu tư cá nhân thiếu niềm tin vào thị trường chứng khoán Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Sự thất vọng từ mức độ hiệu quả thấp của các chính sách kinh tế, bên cạnh đó là tâm lý lo ngại về triển vọng chính sách thương mại dưới thời ông Trump khiến cho nhà đầu tư không ngừng bán ra cổ phiếu. Diễn biến này đe doạ đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc quay trở lại giai đoạn giảm điểm kéo dài nhiều năm. 

2024 chính là năm đầu tiên chứng khoán Trung Quốc tăng trưởng kể từ sau ba năm sụt giảm liên tiếp trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khủng hoảng trên thị trường bất động sản và niềm tin tiêu dùng yếu.

Tiền từ nhà đầu tư cá nhân chiếm tới gần 70% khối lượng giao dịch chứng khoán tại Trung Quốc. Do đó, tồn tại rủi ro làn sóng bán tháo có thể kích hoạt hiện tượng bán giải chấp cổ phiếu, gây ra biến động lớn cho thị trường, đi ngược lại với mong muốn ổn định của Bắc Kinh. 

Trung Quốc cần một thị trường tăng trưởng ổn định, coi đó là kênh dẫn vốn phục vụ cho quá trình phục hồi nền kinh tế số hai thế giới. Ngoài thị trường bất động sản, một cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán sẽ “tàn phá gia tài của người dân, ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý tiêu dùng, gây bất lợi đối với nền kinh tế”, Dong BaoZhen, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Lingtong Shengtai, chia sẻ. 

Ngoài ra, hành vi bán tháo còn đại diện cho thực trạng suy giảm niềm tin nơi nhà đầu tư, vốn đã “chán nản” với diễn biến suy yếu của đồng nhân dân tệ và thị trường trái phiếu thời gian qua. 

"Gáo nước lạnh" 

Thị trường mang theo kỳ vọng phục hồi vào cuối tháng 9 sau khi Bắc Kinh thông báo cắt giảm lãi suất và sẽ có những giải pháp nâng đỡ thị trường. Khi đó, nhà đầu tư không ngần ngại đổ tiền mua cổ phiếu, đẩy chỉ số CSI 300 tăng tới 40% chỉ trong vòng 2 tuần lễ. 

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường dần “hạ nhiệt” theo thời gian chờ đợi các chính sách quyết liệt hơn từ phía cơ quan chức năng. Thế nhưng hoạt động giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn tương đối sôi động, một phần tới từ thực trạng họ sử dụng nhiều hơn đòn bẩy tài chính. 

Thế nhưng sự gắng gượng của họ dường như đã đi tới giới hạn ngay trong giai đoạn đầu năm mới 2025, với các chỉ số Shanghai Composite và Shenzhen Component đều sụt giảm mạnh, biến Trung Quốc trở thành một trong những thị trường chứng khoán lớn có khởi đầu năm mới tệ nhất thế giới. 

“Các nhà hoạch định chính sách châm một đốm lửa trên đống củi khô. Nhưng ngọn lửa đó đã bị dập tắt bởi một gáo nước lạnh”, Zhang Jianan, một nhà đầu tư trên thị trường ám chỉ quá trình triển khai chính sách thiếu quyết liệt. 

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã kích hoạt gói hỗ trợ tài chính trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (tương ứng 68 tỷ USD) để nhà đầu tư tổ chức mua chứng khoán nhưng tới cuối năm 2024, chỉ 50 tỷ nhân dân tệ được giải ngân, phản ánh tâm lý bi quan trên thị trường. 

“Khi các nhà đầu tư tổ chức đổ tiền vào trái phiếu kho bạc hoặc các cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao, bạn sẽ thấy rõ sự bi quan về nền kinh tế. Hành vi thị trường không bao giờ nói dối”, Zhang chia sẻ. 

Nhà đầu tư ngoại cũng “quay lưng” đối với chứng khoán Trung Quốc. 

Các quỹ phòng hộ toàn cầu đã gia tăng tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc trong giai đoạn tăng điểm ba tháng trước nhờ vào một loạt tuyên bố chính sách hỗ trợ nhưng sau đó cũng sớm bán ra. Trong khi đó, các quỹ đầu tư chuyên long (kỳ vọng vào giá lên) cổ phiếu phần lớn đứng ngoài, theo báo cáo của Goldman Sachs. 

“Trò chơi chờ đợi”

Sự khác biệt tới từ kỳ vọng lớn của thị trường và hành động của Bắc Kinh, Yan Wang, Giám đốc chiến lược thị trường mới nổi và Trung Quốc tại Alpine Macro, nhận định. 

Sự chần chừ của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ tâm lý không chắc chắn về triển vọng nền kinh tế sau khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng 

Theo Hao Hong, Kinh tế trưởng tại GROW Investment, lời đe dọa áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa của Trung Quốc của ông Trump là một nguồn bất định lớn. 

“Thị trường biến động mạnh trước sự khó đoán định của ông Trump. Đây không phải thời điểm tốt để đầu tư”, Hong chia sẻ. Hiện tại, quỹ đầu tư của ông không sở hữu bất kỳ mã cổ phiếu Trung Quốc nào. 

“Hãy cùng chờ đợi những thay đổi chính sách thời gian tới. Nếu như không có cơ hội nào xuất hiện, đừng hành động. Hãy kiên nhẫn”, ông nói. 

Nguồn: Reuters
Tin liên quan
Giá Bitcoin lại lập đỉnh mới

Giá Bitcoin lại lập đỉnh mới

Giá Bitcoin vừa thiết lập đỉnh cao mới, qua đó nối dài xu hướng tích cực sau chiến thắng của ông Donald Trump với những cam kết hỗ trợ thị trường tài sản số.