Fica
  1. Quốc tế

Nợ gốc trả không xong, long đong thanh toán lãi

Đại Phú
Đại Phú

Các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt với khoản tiền lãi khổng lồ của “gánh nợ” lên tới 29.000 tỷ USD bồi đắp trong suốt một thập kỷ vừa qua.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, 54 quốc gia đang chi nhiều hơn 10% nguồn thu ngân sách chỉ để trả lãi vay, một tỷ lệ cao chưa từng thấy. Cá biệt, tại một số quốc gia bao gồm Pakistan và Nigeria, tỷ lệ tiền lãi vay/tổng nguồn thu lên tới trên 30%. 

Khoản tiền lãi lên tới 850 tỷ USD trong năm 2023 cho các khoản nợ cả trong và ngoài nước đang khiến nhiều quốc gia phải “xén” bớt chi tiêu cho cơ sở hạ tầng như bệnh viện, đường xá, trường học,... qua đó kìm hãm động lực phát triển. 

“Gánh nặng tiền lãi quá lớn”, Roberto Sifon-Arevalo, Giám đốc xếp hạng tại S&P Global Ratings, chia sẻ trong một bài phỏng vấn gần đây. “Thực tế này chứa đựng vô vàn rủi ro”, ông bổ sung. 

Nợ gốc trả không xong, long đong thanh toán lãi - 1
Số tiền lãi mà các nền kinh tế đang phát triển chi trả/tổng nguồn thu ngân sách ngày một lớn (Ảnh: Bloomberg)

Đó chính là một thách thức lớn đối với các nền kinh tế đang phát triển tại thời điểm mà căng thẳng địa chính trị diễn biến khó lường, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó và những bất định tới từ chính quyền mới của ông Donald Trump. Năm 2025 được dự báo không hề “dễ thở”. 

Bất ngờ thay, không một vụ vỡ nợ cấp quốc gia nào xảy ra từ đầu năm nay. Giới quan sát, bao gồm RBC BlueBay Asset Management và Morgan Stanley, dự báo sẽ không có sự việc đáng tiếc nào xảy ra trong năm sau nhờ vào sự can thiệp kịp thời của các tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và quá trình tái  mở cửa lại thị trường vốn đối với một số quốc gia đi vay. 

“Rủi ro vỡ nợ không lớn trong ngắn hạn”, Anthony Kettl, Giám đốc đầu tư tại RBC, nhận định. “Nhưng nếu nhìn về dài hạn hơn, liệu họ có đủ sức trụ vững?”, ông nói. 

Giá trị nợ của các nền kinh tế mới nổi đã tăng gấp hơn hai lần trong thập kỷ vừa qua lên xấp xỉ 29.000 tỷ USD, theo báo cáo của (Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển) UNCTAD. Điều đó đồng nghĩa với thực tế số liền lãi không hề nhỏ. Đó là còn chưa kể tới những khoản vay tới kỳ đáo hạn, buộc họ phải thanh toán hoặc tìm cách đảo nợ. Trong vòng 2 năm tới, gần 190 tỷ USD giá trị trái phiếu nước ngoài sẽ tới hạn thanh toán, theo JPMorgan Chase & Co. Một số quốc gia được xếp hạng rủi ro đang trả mức lãi suất lên tới 9%. 

Trong báo cáo phát hành tháng trước, nhóm chuyên gia tới từ S&P cảnh báo rủi ro vỡ nợ sẽ tăng cao trong vòng 10 năm tiếp theo do chi phí vay nợ tăng lên và trách nhiệm nặng trả nợ lớn. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng bày tỏ sự quan ngại về tương lai của các quốc gia nghèo nhưng phải trả lãi vay cao. 

Dù vắng bóng các vụ vỡ nợ trong năm nay nhưng không thể phủ nhận áp lực mà các quốc gia đi vay phải đối mặt là rất lớn, buộc IMF phải can thiệp. Hiện quỹ này đang trong quá trình đàm phán với Argentina, nhằm đạt được thỏa thuận thay thế hoặc mở rộng gói tái cấu trúc trị giá 44 tỷ USD hiện tại. Quốc gia Nam Mỹ này phải trả tổng cộng khoảng 9 tỷ USD tiền gốc và lãi chỉ tính riêng trong năm 2025. 

Tại châu Á, IMF đã phải “ra tay cứu giúp” Sri Lanka và Pakistan. Còn tại Lục địa đen, Angola đang được IMF hỗ trợ kỹ thuật, bỏ ngỏ khả năng đàm phán một chương trình cấp vốn mới. 

Theo Morgan Stanley, số lượng các quốc gia phụ thuộc vào các chương trình cấp vốn của IMF sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới, qua đó nhấn mạnh vai trò của tổ chức này đi liền với triển vọng không mấy tươi sáng liên quan tới năng lực tài khóa nhiều nền kinh tế.  

“IMF tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong quá trình tái cấu trúc nợ của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, chúng tôi dự báo tỷ lệ đảo nợ các khoản vay sẽ ngày một cao hơn trong thời gian tới vì tình hình tài khóa không mấy sáng của của không ít nền kinh tế đang phát triển”, nhóm chuyên gia Morgan Stanley, nhận định.  

Nguồn: Bloomberg
Tin liên quan
IMF bi quan hơn về kinh tế thế giới năm sau

IMF bi quan hơn về kinh tế thế giới năm sau

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm tới đồng thời cảnh báo về những rủi ro ngày một lớn từ các cuộc xung đột cho đến chủ nghĩa bảo hộ thương mại.