Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được dự báo sẽ tiến hành tăng lãi suất trong kỳ họp đầu tiên của năm mới, đưa chi phí vay vốn tại xứ sở mặt trời mọc lên ngưỡng cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Theo Reuters, trong cuộc họp kéo dài 2 ngày khép lại vào thứ Sáu (24/1) tới, BoJ sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản từ 0,25% lên 0,5%. Tuy nhiên, dự đoán này có thể thay đổi nếu như bài phát biểu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong lễ nhậm chức và các sắc lệnh mà ông ban hành sau đó khiến cho mức độ biến động trên các thị trường tài chính gia tăng.
Ngoài ra, trong báo cáo triển vọng hàng quý cũng sẽ được công bố trong kỳ họp tới, BoJ có thể sẽ nâng dự báo lạm phát khi quá trình đàm phán tiền lương giữa người lao động và doanh nghiệp đang diễn ra tương đối tích cực, giúp neo phát tại nước này cao hơn mục tiêu 2% mà BoJ đề ra.
Nếu đúng, đây sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái. Tại thời điểm đó, cùng với báo cáo việc làm yếu kém tại Mỹ, quyết định tăng sốc lãi suất của Nhật Bản đã kích hoạt một làn sóng bán tháo tài sản trên quy mô lớn hồi đầu tháng 8 khi nhà đầu tử đóng các vị thế carry-trade (hình thức đầu tư bằng cách vay tiền từ những nơi có lãi suất thấp để đầu tư tài sản ở những nơi có lãi suất cao hơn).
Để tránh lặp lại sự cố đáng buồn này, BoJ luôn tỏ ra thận trọng. Tất cả những tín hiệu phát đi đều mang tính chất rõ ràng cao về thực tế một bước tăng lãi suất đang nằm trong quá trình cân nhắc. Hiện xác suất BoJ nâng lãi suất trong một vài ngày tới hiện lên tới hơn 80%.
Với kết quả cuối cùng gần như chắc chắn, nhà đầu tư trên thị trường sẽ chú ý nhiều hơn tới phần chia sẻ nhanh của Thống đốc Kazuo Ueda về thời điểm cũng như tốc độ tăng lãi suất trong các kỳ họp tiếp theo. Với việc lạm phát tại Nhật Bản liên tục nằm trên mục tiêu 2% trong gần 3 năm liên tiếp và đồng yên yếu khiến chi phí nhập khẩu tăng cao, ông Ueda có thể sẽ một lần nữa khẳng định quyết tâm nâng lãi suất thời gian tới.
Tuy nhiên, BoJ cũng có lý do để thận trọng. Những chính sách kinh tế của ông Trump có thể gây xáo trộn dòng chảy thương mại toàn cầu, qua đó tác động tiêu cực tới một nền kinh tế có thế mạnh xuất khẩu như Nhật Bản. Ngoài ra, nhu cầu trong nước cũng đối diện với một tương lai bất định sau khi đảng của Thủ tướng Shigeru Ishiba đánh mất thế đa số tại quốc hội, gây khó khăn cho quá trình thông qua các quyết sách.