Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: AFP)
Nằm cách Luzon, đảo lớn nhất của Philippines, 5 phút đi tàu cao tốc, đảo Grande là một trong những khu nghỉ dưỡng với bờ biển cát trắng nằm gần thủ đô Manila nhất. Từng là nơi đặt một căn cứ hải quân lớn của Mỹ tại Thái Bình Dương, đảo Grande được trao trả lại vào thập niên 1990 và trở thành khu du lịch thương mại.
Năm 2018, các nhà đầu tư địa phương thuê đảo Grande đã đồng ý ký thỏa thuận với Tập đoàn Tam Á, đơn vị phát triển nghỉ dưỡng của Trung Quốc với số tiền cam kết đầu tư lên tới 298 triệu USD, để biến hòn đảo 44 hecta thành “thiên đường” Maldives của Philippines. Thỏa thuận này được chốt vào tháng 4 tại sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, nhưng chỉ vài tuần sau đó bị đổ bể.
Dự án của tập đoàn Trung Quốc đề xuất xây dựng 80 khối nhà cao cấp trên mặt biển, tuy nhiên điều này đã vi phạm luật quy định giới hạn về việc sử dụng vùng biển chỉ dành cho người Philippines. Hơn nữa, thỏa thuận với tập đoàn Trung Quốc được ký khi chưa có sự chấp thuận của chính quyền vịnh Subic, nơi có thẩm quyền pháp lý đối với đảo Grande. Trong khi đó, giới chức quốc phòng cũng lên tiếng phản đối dự án này.
“Chúng tôi chưa đưa ra tuyên bố chính thức, nhưng các sĩ quan đã bày tỏ quan ngại trên truyền thông”, một quan chức Hải quân Philippines cho biết.
Đề xuất của tập đoàn Tam Á không phải là dự án duy nhất của nhà đầu tư Trung Quốc bị thất bại do sự phản đối của quân đội Philippines. Dự án “thành phố thông minh” với kinh phí 2 tỷ USD, do công ty Fong Zhi có trụ sở tại Hạ Môn, Trung Quốc đề xuất đầu tư, trên đảo Fuga ở phía bắc Philippines, gần Đài Loan, cũng đang vấp phải sự chỉ trích do lo ngại các vấn đề an ninh. Ngoài ra, gói thầu của Trung Quốc trong dự án tiếp quản xưởng đóng tàu Hanjin tại vịnh Subic cũng bị chặn hồi đầu năm nay sau khi Hải quân Philippines lên tiếng bày tỏ quan ngại về vấn đề an ninh.
Những dự án nằm "trên giấy"
Số phận “chết yểu” của các dự án lớn liên quan tới Trung Quốc đã phơi bày những hạn chế trong chiến lược xoay trục sang Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. 3 năm trước, ông Duterte đã thông báo về việc “rời xa” Mỹ để nhận lại cam kết của Trung Quốc về các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như tạo thêm việc làm.
“Tôi cần Trung Quốc hơn bất kỳ ai ở thời điểm hiện tại đối với sinh mạng của đất nước chúng ta. Tôi cần Trung Quốc”, Tổng thống Duterte nói trong bài phát biểu hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều người Philippines không đồng tình với quan điểm của tổng thống. Theo Nikkei, sự mất niềm tin vào Trung Quốc đã ăn sâu tại Philippines, đặc biệt trong giới quân sự, khi Bắc Kinh thể hiện động cơ của nước này trong tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Các dự án có liên quan tới Trung Quốc phải trải qua quá trình xét duyệt nghiêm ngặt, vấp phải sự phản đối của dư luận và bị hủy bỏ tại Philippines. Thực trạng này đã đặt ra thách thức cho Tổng thống Duterte khi ông đang cố gắng sử dụng tiền của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo thêm việc làm, đồng thời củng cố di sản của ông trong nhiệm kỳ lãnh đạo.
“Điều này có thể không ảnh hưởng tới những ngày tại nhiệm còn lại của ông Duterte, nhưng có thể sẽ càng củng cố thêm nhận thức rằng, việc ngả quá nhiều về phía Trung Quốc sẽ không mang lại kết quả gì. Và điều này cũng có thể tác động tiêu cực tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo (năm 2022) cũng như các ứng viên tranh cử, đặc biệt là những người vận động tranh cử với quan điểm ủng hộ Trung Quốc”, Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng ở Singapore, nhận định.
Sự chuyển hướng rõ rệt nhất của Tổng thống Duterte khỏi Mỹ, đồng minh duy nhất Philippines ký hiệp ước phòng vệ tương hỗ và là đối tác thương mại lớn của Manila, diễn ra vào tháng 10/2016. Tổng thống Duterte đã có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Bắc Kinh và trở về với khoản tiền 24 tỷ USD dưới hình thức đầu tư và tín dụng.
4 chuyến thăm tiếp theo của ông Duterte tới Trung Quốc, trong đó có 2 chuyến diễn ra trong năm nay vào tháng 4 và tháng 8, đã mang về cho Philippines tổng số tiền đầu tư lên tới 45 tỷ USD vào các lĩnh vực nhà máy thép, trung tâm kinh tế, đường sắt, cầu và nhà máy điện. Nếu được triển khai, các dự án này sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế 330 tỷ USD của Philippines cũng như có ý nghĩa quan trọng với Tổng thống Duterte, khi ông đang theo đuổi chương trình phát triển cơ sở hạ tầng 180 tỷ USD có tên gọi “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng”.
Năm 2015, trước khi ông Duterte lên nắm quyền, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Philippines chỉ khoảng 570.000 USD. Nhưng đến năm 2018, con số này đã tăng lên gần 200 triệu USD. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong cùng một giai đoạn tăng từ 17,65 tỷ USD lên 30,83 tỷ USD vào năm 2018, khi Trung Quốc lần đầu tiên vượt mặt Nhật Bản trong nhiều thập kỷ để trở thành nhà nhập khẩu chuối lớn nhất của Philippines. Xuất khẩu chuối cũng là ngành công nghiệp chính tại Davao, quê nhà của Tổng thống Duterte.
Tuy vậy, rất ít dự án hạ tầng “khủng” của Trung Quốc được triển khai trên thực tế tại Philippines. Cho đến nay, mới chỉ có 3 dự án, bao gồm hai cây cầu ở Manila do chính phủ Trung Quốc quyên tặng và một dự án tưới tiêu ở phía bắc Philippines, thực sự bắt đầu được xây dựng. Trong khi đó, một số dự án từng được hai bên cam kết thực hiện song rốt cuộc được cho là không khả thi và phải hủy bỏ.
Khi dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi tháng 9 tại New York, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã bày tỏ sự tức giận đối với các dự án bị đình trệ của Trung Quốc.
“Chúng tôi đã ký dự án này dự án nọ, nhưng rốt cuộc gần như không dự án nào được thực hiện. Nếu so sánh với các khoản đầu tư và hỗ trợ chính thức của Nhật Bản, dự án (của Trung Quốc) không có gì cả”, ông Locsin nói.
Phe đối lập chính trị tại Philippines cũng lo ngại rằng, việc mượn tiền của Trung Quốc có thể khiến các nước rơi vào bẫy nợ. Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo đã cảnh báo chính quyền về việc phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc.
Thành Đạt
Theo Nikkei