Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vừa đặt dấu chấm hết cho chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ “mạnh tay” nhất trong kỷ nguyên hiện đại.
Cụ thể, BoJ điều chỉnh lãi suất ngắn hạn từ -0,1% lên từ 0% tới 0,1%, chính thức khép lại kỷ nguyên lãi suất âm hình thành từ năm 2016. Nhật Bản trước đó là quốc gia cuối cùng trên thế giới áp dụng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng này. Bên cạnh đó, cơ quan này còn gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ, đồng thời cam kết tiếp tục mua vào các sản phẩm trái phiếu có kỳ hạn dài trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, BoJ cũng chính thức dừng mua lại các quỹ hoán đổi danh mục (ETF).
Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản |
Theo thông báo phát đi sau đó, BoJ khẳng định các điều kiện tài chính vấn sẽ duy trì tính chất hỗ trợ trong thời gian tới. Việc cơ quan này lần đầu nâng lãi suất sau gần hai thập kỷ không đồng nghĩa với sự khởi đầu của một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt như tại Mỹ và châu Âu.
“Lạm phát vẫn chưa về ngưỡng mục tiêu 2% nhưng với khoảng cách hiện tại, chúng tôi có thể kích hoạt quá trình bình thường hóa chính sách như tôi đã đề cập trước đó. Nhưng tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hỗ trợ sẽ luôn được tính đến”, Thống đốc BoJ Kazuo Ueda chia sẻ trong cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông đồng thời cảnh báo rủi ro gia tăng áp lực giá cả có thể khiến BoJ tăng lãi suất lên cao hơn nữa.
Quyết định của BoJ được đưa ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn khác được dự báo giữ nguyên lãi suất điều hành trong kỳ họp tháng này. Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (Fed) có khả năng cao tiếp tục neo lãi suất trên đỉnh nhiều thập kỷ trong tháng thứ năm liên tiếp. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng sẽ giữ lãi suất ở ngưỡng cao nhất 15 năm khi nhóm họp vào ngày 21/3. Trước đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cũng không tăng lãi suất trong kỳ họp thứ tư liên tiếp. Còn trong cùng ngày 19/3, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) thông báo không thay đổi lãi suất ở ngưỡng 4,35%.
Việc Fed cũng như các ngân hàng trung ương lớn khác liên tục tăng lãi suất trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023 khiến cho đồng yên cũng như lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản chịu áp lực lớn thời gian qua.
Nới lỏng chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian dài khiến cho bảng cân đối kế toán của BoJ tăng lên ngưỡng 127% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao gấp bốn lần so với Fed. Dù vậy, lạm phát tại xứ sở mặt trời mọc vẫn không chịu đi lên cho tới khi cú sốc nguồn cung xảy ra do đại dịch Covid-19 và chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chỉ số lạm phát quan trọng nhất của Nhật Bản hiện đã neo cao hơn mục tiêu 2% trong vòng 22 tháng liên tiếp và được dự báo tiếp tục xu hướng ngày khi số liệu tháng mới nhất được công bố vào ngày 22/3 tới.
Đại Phú