Báo cáo vừa cập nhật của VDSC cho biết, MSCI cuối cùng đã cho Trung Quốc một sự công nhận có vẻ xứng đáng bằng việc thêm A-shares vào rổ chỉ số toàn cầu. Vào tháng 2, MSCI đã thông báo sẽ tăng tỷ trọng các chứng khoán trong MSCI China A Inclusion Index lên 4 lần trong Global Standard Indices, thông qua nâng hệ số từ mức 5% lên 20%, trong 3 đợt, bắt đầu vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 11 2019. Điều đó đồng nghĩa gần 80% chứng khoán trong rổ MSCI China A Inclusion Index vẫn chưa được thêm vào. Trong trường hợp nếu được thêm vào đầy đủ, cổ phiếu Trung Quốc sẽ vượt quá 40% trong MSCI EM, theo trang web của MSCI.
Trong thập kỷ qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các công ty Trung Quốc phần lớn thông qua chứng chỉ tín thác Mỹ (ADRs) và sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Trong khi đó, A-shares vẫn là một trong những thị trường biến động do bị chi phối bởi các nhà đầu tư nhỏ lẻ (chiếm gần 85% giao dịch) như trường hợp ở Việt Nam, nơi các nhà đầu tư có các lựa chọn hạn chế và ưa thích chọn cổ phiếu hơn chọn các quỹ quản lý chuyên nghiệp.
Hơn 10 ngàn tỷ USD tài sản được giao dịch theo các chỉ số của MSCI và các nhà quản lý tiền (thụ động) rõ ràng sẽ mua bất cứ thứ gì trong rổ chỉ số, đặc biệt nếu nó có tỷ trọng đáng kể. Bất kể tỷ trọng chính xác là bao nhiêu, các quản lý EM không còn có thể bỏ qua Trung Quốc. Phải nói rằng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài với cổ phiếu A shares đang ít hơn 5% do đó còn nhiều room ngoại.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 1/3 vốn hóa thị trường Hàn Quốc so với chỉ khoảng 2-3% trước khi Hàn Quốc được thêm vào MSCI. Ngoài ra, vốn hóa thị trường Trung Quốc/ GDP là 71% so với mức 165% của Mỹ, 106% của Nhật Bản và 88% của cả Hàn Quốc và Ấn Độ ( theo CEIC).
Những nhà quản lý tài sản cũng có thể quan tâm đến thị trường tài sản thu nhập cố định, Trung Quốc đang đứng thứ 3 ở mức hơn 12 ngàn tỷ USD, chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Trung Quốc chưa đến 10%. Đây là mức thấp so với gần 40% của Indonesia. Trong Chỉ số Bloomberg Barclays Global Aggregate, Trung Quốc chỉ chiếm 1,2% tỷ trọng, thấp hơn Hà Lan (đứng đầu: Mỹ 39,5%, Nhật Bản 17%, Pháp 6,1% và Đức 5,2%). Điều này sẽ không kéo dài lâu.
Ngoài ra, các nhà nhà kinh tế theo trường phái trọng thương tại Trung Quốc không còn muốn phụ thuộc vào USD và quyết tâm biến Nhân dân tệ trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế. Quỹ tiền tệ quốc tế quyết định thêm Nhân dân tệ vào rổ SDR có hiệu lực vào tháng 10 2016 (hiện tại, đồng USD chiếm 42%, EUR 31%, Nhân dân tệ 11%, Yên Nhật 8%, Bảng Anh 8%). Sự tự chủ mang lại sự ổn định mà Đảng mong muốn hơn tất cả. Sáng kiến con đường và vành đai hay còn gọi con đường tơ lụa mới cũng như AIIB (Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á) được xem làm một cách để đạt được mục tiêu này.
Chuyên gia VDSC cho rằng, Trung Quốc rõ ràng đã học được nhiều từ kế hoạch Marshall sau Thế chiến thứ II của Mỹ. Hợp nhất cả Châu Á trong phạm vi tầm ảnh hưởng Trung Quốc bằng cách cung cấp tài chính bằng Nhân dân tệ cho các nước châu Á để xây dựng cơ sở hạ tầng bằng tiền, máy móc và công nhân Trung Quốc. Một vụ cá cược lớn, điều đó có thể thất bại nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta đang ở trong thời đại của chủ nghĩa dân tộc và không có nhà lãnh đạo nào minh họa điều này tốt hơn ông Tập.
Việc bãi bỏ quy định thêm về thị trường vốn dường như nằm trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Với mỗi lần mở cửa thị trường (lao động, sản xuất, bất động sản), Trung Quốc đều đã chứng kiến sự tăng trưởng.
Trung Quốc nổi tiếng là khó điều hướng và cả những người bi quan (tập trung vào nợ, ngân hàng bóng tối và khả năng dư thừa) và lạc quan (tập trung vào chi tiêu của người tiêu dùng) sẽ tìm thấy nhiều bằng chứng cho trường hợp tương ứng của họ. Nhưng ai cho rằng việc tăng tỷ trọng phía trên không đáng quan tâm sẽ thấy điều đó là sai lầm - báo cáo của VDSC kết luận.
Mai Chi