Fica
  1. Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc chưa qua đoạn "khó"

Đại Phú
Đại Phú

Lĩnh vực dịch vụ, vốn bùng nổ sau khi Trung Quốc từ bỏ zero-Covid, đang dần hụt hơi.

Hoạt động sản xuất và dịch vụ tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 11, bằng chứng cho thấy các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế thời gian qua vẫn chưa thể phát huy tác dụng. 

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế số hai thế giới suy yếu từ 49,5 điểm trong tháng 10 xuống 49,4 điểm vào tháng 11 vừa qua, đánh dấu tháng “đi lùi” thứ hai liên tiếp. 

Bên cạnh đó, chỉ số PMI phi sản xuất, bao gồm hoạt động dịch vụ và xây dựng, cũng suy yếu từ 50,6 điểm xuống còn 50,2 điểm trong cùng giai đoạn. Đặc biệt, chỉ số đo lường hoạt động dịch vụ giảm xuống ngưỡng 49,3 điểm, lần đầu tiên thấp hơn mốc trung lập 50 điểm kể từ đầu năm 2023. 

Kinh tế Trung Quốc chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn nhất

Dù các chuyên gia kinh tế đã dự liệu trước thực tế hoạt động kinh tế tiếp tục gặp khó trong tháng vừa qua, kết quả vừa mới công bố cho thấy “sự thất vọng lớn” khi thấp hơn so với dự báo, Michelle Lam tới từ Societe Generale SA, chia sẻ.  “Điều đó phản ánh đà phục hồi tương đối mong manh trong khi các giải pháp hỗ trợ thời gian qua chưa thể phát huy tác dụng”, bà cho biết. 

Còn theo Zhou Hao, Kinh tế trưởng tại Công ty chứng khoán Guotai Junan International, “dữ liệu PMI ngày hôm nay làm gia tăng kỳ vọng chính quyền trung ương sẽ bổ sung thêm các giải pháp hỗ trợ”. “Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò trọng tâm đối với tăng trưởng kinh tế trong các năm tới”, ông nhận định. 

Theo giới chuyên gia, Trung Quốc vẫn còn khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, khả năng duy trì tăng trưởng ở ngưỡng này trong năm tới lại đặt ra một dấu hỏi lớn khi đà hồi phục của nước này sau đại dịch Covid-19 khiến cho không ít người phải thất vọng. 

Lĩnh vực bất động sản vẫn là rủi ro chính đối với tăng trưởng chung. Đà sụt giảm doanh số bán nhà khiến cho nhu cầu nhiều mặt hàng khác, từ nội thất, đồ trang trí cho tới đồ gia dụng không tránh khỏi trạng thái “ảm đạm”. Lĩnh vực dịch vụ, vốn được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế đi lên sau khi nước này từ bỏ theo đuổi chính sách zero-covid cũng dần mất đi xung lực. Thị trường việc làm không mấy tươi sáng khiến cho người dân thận trọng khi chi tiêu.

Đại Phú

Nguồn: Bloomberg
Tin liên quan