Fica
  1. Quốc tế

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc thu hẹp đà giảm

Đại Phú
Đại Phú

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục "bước thụt lùi" nhưng tốc độ đã chậm lại đáng kể.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục nằm trong xu hướng sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế số hai thế giới vẫn đang chật vật tìm lại “hào quang” tăng trưởng trong quá khứ. 

Cụ thể, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của nước này trong tháng 9 đạt 49,8 điểm, theo số liệu vừa được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố. Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số trên thấp hơn mốc trung lập phân định xu hướng tăng-giảm 50 điểm.

Tuy nhiên, số điểm trên lại cao hơn kết quả 49,1 điểm của tháng 8; 49,4 điểm của tháng 7 và 49,5 điểm của tháng 6, ám chỉ tốc độ sụt giảm đang dần chậm lại. Kết quả thực tế đồng thời vượt lên trên kỳ vọng 49,5 điểm của giới chuyên gia. 

Zhao Qinghe, Chuyên gia thống kê cấp tao tới từ NBS cho biết tâm lý kinh doanh trong tháng vừa qua nhìn chung có phần cải thiện, giúp hoạt động sản xuất tăng tốc. Điểm sáng tới từ phân khúc sản xuất công nghệ cao và thiết bị, ông chia sẻ. 

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc thu hẹp đà giảm - 1
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc chưa hết khó

Báo cáo PMI mới được công bố tích cực hơn so với khảo sát của S&P Global với chỉ số PMI Caixin giảm từ 50,4 điểm trong tháng 8 xuống còn 49,3 điểm tháng vừa qua, thấp nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây. Theo S&P, kết quả trên phản ánh thực trạng nhu cầu thị trường suy yếu trong khi sức mạnh của thị trường lao động chưa được cải thiện. 

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều “cơn gió chướng” khi mà thị trường bất động sản nước này vẫn chưa tìm thấy “cửa thoát hiểm” khỏi khủng hoảng, vốn kéo tụt tâm lý tiêu dùng của người dân cũng như doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, hàng rào thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bị nhiều quốc gia dựng lên, đánh thẳng vào hoạt động xuất khẩu, trụ cột của nền kinh tế nước này thời gian gần đây. 

Ngày 29/9, kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất tháng 8 tại Trung Quốc cũng được công bố với mức sụt giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, sâu nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây. Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng không đạt kỳ vọng. 

Nhận thức được những khó khăn mà nền kinh tế phải đối mặt, chính phủ Trung Quốc trong tuần trước đã đẩy mạnh nỗ lực vực dậy nền kinh tế thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương nước này quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5% đồng thời giảm lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược (repo) kỳ hạn 7 ngày 20 điểm cơ bản từ 1,7% xuống 1,5%. 

Còn trong cuộc họp mới nhất của Bộ chính trị Trung Quốc do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, các nhà lãnh đạo nước này kêu gọi đẩy nhanh các giải pháp cần thiết để chặn đứng đà sụt giảm của thị trường bất động sản đồng thời tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính và tài khóa trong thời gian tới. 

Trước sự quyết tâm của chính quyền trung ương, chứng khoán Trung Quốc liên tục ghi nhận những phiên bật tăng mạnh, giúp thị trường có tuần tăng điểm tốt nhất 16 năm qua.