Thế giới đang chứng kiến một hiện tượng chưa từng có kể từ khi sự phát triển của công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa đã kết nối các châu lục và quốc gia ở cách xa nhau thành một hệ thống mang tính liên kết cao độ. Đó là hàng hóa không thể lưu thông từ các trung tâm sản xuất sang các trung tâm tiêu thụ. Thậm chí, ngay trong nội bộ của các quốc gia, hàng hóa cũng không thể lưu thông từ vùng này sang vùng khác.
Đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trên hầu hết khía cạnh (Ảnh: NYT).
Người tiêu dùng Mỹ đã quá quen với việc giao nhận hàng tận nhà, chỉ cần click chuột và hàng sẽ được giao ngay tới cửa. Nhưng giờ đây, ngay cả giấy vệ sinh hay nhu yếu phẩm cũng cần phải đợi hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Bất cứ sản phẩm nào cần trải qua quá trình sản xuất hoặc chế tạo đều đang trong tình trạng thiếu hàng - từ hóa chất đến thiết bị điện tử hay giày thể thao. Sự khan hiếm một mặt hàng bất kì có thể kéo theo sự khan hiếm một mặt hàng khác.
Một nhà sản xuất sơn cần 27 loại hóa chất để tạo ra một thùng sơn, họ đã có 26 loại và còn thiếu 1 loại duy nhất. Loại hóa chất này có thể đang mắc kẹt ở một con tàu container nào đó ngoài khơi Nam California - và chỉ với điều này đã có thể khiến cho cả quá trình sản xuất bị gián đoạn.
Vì sao đứt gãy chuỗi cung ứng?
Đại dịch đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trên hầu hết mọi khía cạnh - bao gồm các dòng chảy vô hình trong các giai đoạn sản xuất, vận chuyển và logistics nhằm mục đích đưa hàng hóa từ nhà sản xuất thành phẩm tới khách hàng cuối cùng. Chính vì vậy, sự khan hiếm ở bất kỳ giai đoạn nào của chuỗi cung ứng cũng có thể khiến giá thành phẩm tăng mạnh.
Bắt đầu khi nào?
Chuỗi cung ứng bắt đầu xuất hiện hiện tượng đứt gãy từ đầu năm ngoái, khi đại dịch bùng phát trở lại. Các nhà máy đặt tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… hay cả những ông lớn công nghiệp như Đức… bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự lây lan của các ca nhiễm. Nhiều nhà máy phải đóng cửa, một số khác năng suất giảm sút do tình trạng thiếu nhân công hoặc do quốc gia áp dụng các lệnh giãn cách. Ngoài ra, với dự đoán nhu cầu người tiêu dùng trong đại dịch giảm, các công ty vận chuyển đã cắt giảm tần suất hoạt động.
Tuy nhiên, đây là khởi nguồn của một chuỗi những sai lầm. Thay vì giảm chi tiêu cho những mặt hàng dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, spa..., người Mỹ chuyển qua tích trữ các nhu yếu phẩm hằng ngày. Nhu cầu đối với các mặt hàng này tăng gấp đôi trước đại dịch.
Họ mua ghế văn phòng và máy in mới đặt trong phòng ngủ, mua thêm thiết bị tập thể dục và máy chơi trò chơi điện tử đặt dưới tầng hầm, mua sơn và gỗ với các dự định mở rộng không gian sống, tạo sự thoải mái trong thời gian giãn cách. Ngoài ra, họ cũng bổ sung các loại máy ép, máy xay... cho nhà bếp nhằm phục vụ gia đình và những nhu cầu ăn uống trong điều kiện không thể đến nhà hàng. Số lượng đặt hàng tăng đột biến. Các nhà máy phải nhanh chóng thích nghi để đáp ứng sự thay đổi chóng mặt trong nhu cầu người tiêu dùng.
Nhiều nhà máy đã cố gắng sản xuất nhiều hơn, nhưng không thể. Các nhà máy nhìn chung đều nhận nguyên liệu sản xuất từ những nguồn cung khác nhau. Ví dụ: khi lắp ráp một máy tính tại Trung Quốc, nhà sản xuất phải nhập chip máy tính từ Đài Loan hoặc Malaysia, màn hình từ Hàn Quốc và hàng chục các linh kiện khác từ khắp nơi... Khi một quốc gia phải áp dụng các lệnh giãn cách để phòng dịch đồng nghĩa với quá trình sản xuất thành phẩm cuối cùng cũng bị gián đoạn.
Ngoài ra, nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa tăng chóng mặt đã làm tắc nghẽn hệ thống vận chuyển hàng hóa. Các thành phẩm cuối cùng chất đống trong kho bãi và cảng biển trên toàn châu Á như một hậu quả của tình trạng khan hiếm container vận chuyển.
Dưới tác động của đại dịch, các quốc gia ở các khu vực như Tây Phi và Nam Á hầu như không thể đáp ứng kịp nhu cầu hàng hóa xuất khẩu, dẫn tới tình trạng tồn đọng của vô số các container rỗng tại cảng biển khu vực này.
Bên cạnh đó, các container chở hàng cứu trợ từ Trung Quốc đến đây cũng gặp phải tình trạng tắc nghẽn tương tự. Các tàu container có thể lựa chọn phương án vận chuyển các container rỗng trở về, tuy nhiên điều này sẽ khiến chi phí vận chuyển gia tăng gấp đôi, góp phần làm gia tăng tổng chi phí cho toàn chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, các cảng ở Bắc Mỹ và châu Âu rơi vào tình trạng quá tải khiến hàng chục con tàu container phải nằm chờ ngoài khơi. Tại các cảng như Los Angeles và Oakland, vô số tàu container buộc phải neo đậu ngoài biển trong nhiều ngày trước khi có thể bốc dỡ hàng.
Mặt khác, dịch Covid-19 lây lan giữa các nhân viên vận hành tại cảng cũng khiến tốc độ xử lý hàng hóa giảm sút. Tình trạng này càng trở nên tồi tệ hơn khi Kênh đào Suez phải tạm đóng cửa bởi tàu container Evergiven bị mắc kẹt, và các cảng lớn ở Trung Quốc đóng cửa để đối phó với các ca nhiễm Covid-19 mới.
Tình trạng chậm trễ trong khâu xử lý hàng hóa trong bối cảnh thiếu hụt container trên toàn cầu đã khiến cước vận chuyển tăng vọt. Trước đại dịch, một container hàng được vận chuyển từ Thượng Hải đến Los Angeles sẽ tốn 2.000 USD. Tới đầu năm 2021, cũng quãng đường này nhưng chi phí đã lên tới 25.000 USD. Ngay cả những công ty vận chuyển lớn như Target và Home Depot cũng phải đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới có thể đưa các thành phẩm cuối cùng lên tàu.
Đại dịch liệu có phải là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng đứt gãy?
Đại dịch chắc chắn đã làm cho cán cân cung và cầu biến động vô cùng - dịch chuyển nhanh hơn mức chuỗi cung ứng có thể điều chỉnh. Nhưng đây là hậu quả của quá trình đã tích lũy qua hàng thập kỷ khi các công ty giữ lại hàng tồn kho để giảm chi phí. Trước dịch, các công ty thường đặt ra một mức hàng tồn kho nhất định để đối phó với sự biến động của chuỗi cung ứng, tuy nhiên cho tới hiện tại, sự biến động này đã vượt quá khả năng thích ứng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng độc quyền cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hóa toàn cầu.
Không ai có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi khi nào tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng được giải quyết. Nhiều nhà hoạch định chính sách cho rằng chúng ta có thể phải sống chung với tình trạng khan hiếm này tới năm 2022 hoặc lâu hơn nữa. Tình trạng thiếu hàng và chậm trễ có thể ảnh hưởng đến mùa mua sắm Giáng sinh và lễ hội năm nay do việc tìm kiếm các mặt hàng thiết yếu khó khăn hơn nhiều. Rất nhiều công ty đã đặt hàng trước đó, tuy nhiên điều này đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hàng, gây áp lực mạnh mẽ lên hệ thống cảng biển và kho bãi trên toàn thế giới.
Hằng Đoàn
Theo The New York Times