Fica
  1. Quốc tế

Giá thịt lợn toàn cầu “sục sôi” sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc

Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Đức sau khi nước này ghi nhận trường hợp dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào tuần trước.

Giá thịt lợn toàn cầu sẽ tăng lên do nguồn cung thịt của Trung Quốc ngày càng khan hiếm.

Động thái này khiến cho giá thịt lợn toàn cầu tăng lên do nguồn cung thịt của Trung Quốc ngày càng khan hiếm.

Đức là nước cung cấp thịt lợn lớn thứ 3 của Trung Quốc, chiếm khoảng 14% sản lượng nhập khẩu thịt lợn của nước này trong năm nay. Do đó, lệnh cấm này sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu thịt lợn từ các nguồn cung cấp lớn khác như Mỹ và Tây Ban Nha. Điều này sẽ khiến giá thịt lợn trên toàn cầu tăng lên.

Lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức đến trong bối cảnh Trung Quốc – nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới – đang phải đối mặt với tình hình khan hiếm thịt lợn chưa từng có sau khi đại dịch tả châu Phi khiến lợn chết hàng loạt.

Thịt lợn xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc hàng năm đạt trị giá khoảng 1 tỷ Euro (tương đương 1,2 tỷ USD). Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu thịt lợn từ Đức sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi do nhu cầu tăng vọt sau khi sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm khoảng 20%.

Người phát ngôn của Bộ Lương thực và Thực phẩm Đức đã xác nhận có lệnh cấm trên và cho biết thêm rằng, Bộ này vẫn đang đàm phán với chính phủ Trung Quốc về vấn đề này.

Hôm 11/9, các trang trại ở Đức cũng đã kêu gọi Trung Quốc không cấm nhập khẩu thịt lợn trên phạm vi toàn nước Đức. Bộ Nông nghiệp Đức cũng cho biết, họ đã yêu cầu Trung Quốc chỉ ban hành lệnh cấm đối với khu vực xảy ra dịch tả lợn.

Tuy nhiên, theo thông báo từ cơ quan hải quan Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp nước này, Bắc Kinh đã từng thực hiện các lệnh cấm trên phạm vi rộng cho những trường hợp như vậy.

Được biết, lệnh cấm này đã được ban ra trước 2 ngày cuộc gặp qua video của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Đức bà Angela Merkel và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu.

Động thái này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các nhà cung cấp lớn khác như Mỹ, Tây Ban Nha và Brazil.

“Ngành chăn nuôi lợn trắng của Tây Ban Nha đã được chuẩn bị đầy đủ để tiếp tục tăng doanh số xuất khẩu thịt lợn an toàn và chất lượng sang Trung Quốc”, Daniel de Miguel, giám đốc quốc tế của cơ quan thương mại Interporc cho biết.

Không giống như các quốc gia châu Âu, trong những tuần gần đây, Tây Ban Nha đã không đóng cửa nhà máy chế biến thịt nào vì dịch Covid-19.

Joe Schuele, phát ngôn viên của Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Hoa Kỳ - cho biết, Mỹ cũng sẽ vận chuyển nhiều thịt lợn hơn đến Trung Quốc.

Giá lợn hơi giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đã tăng lên trong thứ 5 và thứ 6 do các nhà buôn dự đoán về lệnh cấm.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi gây tử vong ở lợn và hiện vẫn chưa có vắc xin hay thuốc chữa. Bệnh này lây lan khi tiếp xúc với dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh và cũng có thể lây lan qua người nhưng không có hại cho con người.

 

Nhật Linh

Theo Reuters