Trong một động thái khá bất ngờ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố cắt giảm lãi suất thêm 0,5% - mức cắt giảm một lần mạnh nhất kể từ khủng hoảng 2008-2009.
Đáng chú ý, quyết định này được đưa ra ngay sau khi ông Powell chủ trì một cuộc điện đàm giữa bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G7 mà không cần đợi đến cuộc họp định kỳ của FED vào ngày 17-18/03 tới đây.
Điều này cho thấy sự phối hợp, tính cấp bách và chủ động can thiệp sớm của FED cùng NHTW các nước khác trong việc ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế.
Tuy vậy, thị trường chứng khoán Mỹ lại không phản ánh tích cực với thông tin trên. Chỉ số Dow Jones không tăng mà còn sụt giảm gần 800 điểm. Nhà đầu tư có lẽ cho rằng các động thái trên của FED là chưa đủ và họ đang kỳ vọng các đợt cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay.
Nhiều nhà phân tích cho rằng FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong tháng 3 và tháng 4. Một số nhà đầu tư còn muốn FED tung ra gói nới lỏng định lượng (QE).
Đối với kinh tế Mỹ, lo ngại chính từ dịch bệnh đến từ cú sốc cung chứ không phải cú sốc cầu. Sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia lớn, đặc biệt khi thị trường Trung Quốc bị gián đoạn mang đến nhiều lo ngại cho kinh tế Mỹ.
Khi sản xuất bị ảnh hưởng, hoạt động thuê mướn lao động sẽ giảm sút, theo đó thu nhập của người tiêu dùng cũng sụt giảm và hệ quả là kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Khi có các cú sốc cung xảy ra, chính sách tiền tệ đơn lẻ thường không mấy tác dụng mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa.
Trong khi đó, đối với Mỹ hiện nay, tỷ lệ nợ/GDP đã đụng trần không mang đến nhiều dư địa để nới lỏng mạnh chính sách tài khóa.
Mai Chi