Fica
  1. Quốc tế

Đức mở cảng LNG đầu tiên, quyết thoát phụ thuộc khí đốt Nga

Thủ tướng Đức Olaf Scholz khánh thành cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đầu tiên của nước này trong nỗ lực thoát phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng giá rẻ của Nga.

AP đưa tin, Đức đã khánh thành cảng LNG đầu tiên tại Wilhelmshaven vào sáng 17/12, một dự án dự kiến sẽ cung cấp khoảng 6% nhu cầu năng lượng của đất nước.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tham gia buổi lễ. Công trình này đã được xây xong trong thời gian nhanh kỷ lục, chỉ chưa đầy 10 tháng. Ông Scholz cho rằng, điều này cho thấy Đức có thể xây dựng những công trình quan trọng với tốc độ cao. Ông cảm ơn các công nhân, kỹ sư, nhà thầu vì đẩy mạnh tiến độ xây cảng LNG, nhấn mạnh công trình này có sự đóng góp rất quan trọng cho an ninh của Đức.

"Chúng ta đã quyết định rất nhanh rằng chúng ta muốn làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Đức sẽ có nguồn cung cấp khí đốt độc lập, không phụ thuộc Nga. Đây là một ngày tốt lành cho nước chúng ta và dấu hiệu cho cả thế giới thấy rằng nền kinh tế Đức sẽ vẫn mạnh mẽ", ông nhấn mạnh.

Đức có kế hoạch mở thêm bốn cảng LNG bằng ngân sách chính phủ trong vài tháng tới cũng như một cảng tư nhân ở Lubmin.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại lễ khánh thành (Ảnh: Reuters).

Tổng cộng, các cảng này có thể nhận 30 tỷ m3 LNG từ năm sau nếu xây xong và nếu Berlin tìm được nguồn cung. Con số này bằng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt của Đức trong một năm.

Trước ngày hôm qua, Đức không có bất cứ cảng LNG nào và phụ thuộc vào khí đốt chảy từ đường ống mua của Nga - nhà cung cấp chiếm tới 55% thị phần.

Dù Đức có kế hoạch xây hàng loạt cảng LNG, nhưng thách thức vẫn còn trước mắt, theo AFP. Đức chưa ký bất cứ hợp đồng cung cấp dài hạn nào với các bên bán LNG để các cảng trên có thể tiếp nhận.

"Năng lực nhập khẩu là có. Nhưng điều khiến tôi lo lắng là việc giao hàng", Johan Lilliestam, một nhà nghiên cứu tại Đại học Potsdam, nói với AFP.

Hợp đồng mua LNG của Qatar để đưa tới Wilhelmshaven sẽ chỉ bắt đầu được thực thi vào năm 2026.

Mặt khác, các nhà cung cấp có xu hướng muốn ký hợp đồng dài hạn, trong khi chính phủ Đức không muốn bị ràng buộc vào các hợp đồng khí đốt kéo dài nhiều năm vì họ muốn Đức hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045.

Mặt khác, giá LNG rất đắt nếu so với khí đốt từ đường ống của Nga.

Hồi tháng 8, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhận định, nước này sẽ không còn có thể duy trì mô hình kinh tế phụ thuộc vào năng lượng giá rẻ Nga sau khi căng thẳng giữa Moscow và phương Tây leo thang trong thời gian qua vì Moscow mở chiến dịch quân sự ở nước láng giềng Ukraine từ ngày 24/2.

Hồi tháng 10, ông Habeck cho rằng Mỹ và một số nhà cung cấp thân thiện với Berlin đang bán khí đốt với giá "cao ngất ngưởng", dường như ám chỉ họ đang hưởng lợi từ cuộc xung đột tại Ukraine.

Ông kêu gọi sự đoàn kết hơn nữa từ Mỹ khi hỗ trợ các đồng minh bị áp lực về năng lượng ở châu Âu.

"Mỹ đã liên lạc với chúng tôi khi giá dầu tăng và sau đó, nguồn dự trữ dầu ở nhiều nước châu Âu đã được giải phóng. Tôi cho rằng, sự đoàn kết tương tự như vậy cũng sẽ giúp kiềm chế giá khí đốt", ông Habeck nhận định.

Đức Hoàng