Công nhân Venezuela biểu tình vào ngày 25/9 vừa qua yêu cầu Chính phủ xem xét lại mức lương. (Nguồn: REUTERS / William Urdaneta)
Yusbell Arcaya đã từng kiếm được gấp 7 lần mức lương tối thiểu với công việc của một nhà phân tích nguồn nhân lực tại một trường đại học ở miền tây Venezuela. Nhưng cải cách kinh tế của ông Nicolas Maduro đã thay đổi tất cả điều đó.
Tháng trước, ông Maduro bất ngờ ra lệnh tăng gấp 60 lần mức lương tối thiểu để bù đắp cho lạm phát tăng mạnh cùng với việc đồng Bolivar mất giá tới 96%. Điều đó khiến các nhà tuyển dụng trên khắp Venezuela phải vật lộn để có đủ tiền trả theo mức lương tối thiểu mới, hơn là để số tiền đó để trả mức lương cao cho các nhân viên cao cấp hơn.
Vì vậy, trường đại học nơi Arcaya làm việc hiện đang trả cho cô và tất cả nhân viên của họ với mức lương tối thiểu hàng tháng là 1.800 Bolivar, tương đương khoảng 18 USD theo tỷ giá hối đoái ở thị trường chợ đen.
Quá thất vọng, Arcaya đã mơ ước chạy trốn khỏi đất nước Nam Mỹ này, giống như hàng triệu người Venezuela khác.
“Tất cả chúng tôi đều có mức lương như nhau. Tôi cũng chỉ kiếm được giống như một bảo vệ chuyên mở cửa. Tôi đã học và làm việc chăm chỉ nhưng bây giờ hóa ra không một sự cố gắng nào là đáng giá”, Arcaya, người đã làm việc tại trường đại học này trong 19 năm cho biết.
Theo đó, nhân viên tại các bệnh viện, Bộ Dầu khí và các công ty bảo hiểm đều nói rằng, hệ thống phân cấp lương đã bị bóp méo sau biện pháp gây sốc của Thủ tướng Maduro.
Biện pháp này có thể làm các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân gặp khó khăn nhiều hơn, trong khi người Venezuela làm việc trong khu vực phi chính thức thì linh hoạt hơn hoặc họ có thể chạy trốn sang các nước láng giềng.
Không rõ có bao nhiêu người trong số 13 triệu lao động của Venezuela kiếm được mức lương tối thiểu, nhưng khoảng 40% lao động Venezuela làm việc trong khu vực phi chính thức sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự thay đổi này.
Tuy nhiên, các giáo viên, bác sĩ và nhân viên chính phủ đã tổ chức các cuộc biểu tình để tìm các biện pháp nhằm đảm bảo họ kiếm được nhiều hơn mức lương tối thiểu, đặc biệt là khi đối mặt với siêu lạm phát mà ước tính của đảng đối đầu đã đạt 200.000%.
Hệ thống phân cấp lương của Venezuela đã bị bóp méo sau khi ông Maduro tăng mức lương tối thiểu. (Nguồn: Reuters)
Ông Juan Pereira, một nhân viên bảo vệ tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Valencia, từng là một trung tâm công nghiệp phát triển của Venezuela cho biết: “Chúng tôi đã từng kiếm được ít hơn rất nhiều. Nhưng vấn đề là lạm phát tăng mạnh đã làm xói mòn giá trị của đồng Bolivar”.
“Điều làm tôi ngạc nhiên là mọi người coi 1.000 Bolivar như thể nó không có giá trị gì cả. Một đôi giày, sửa chữa tủ lạnh, phụ tùng thay thế cho xe máy,… tất cả mọi thứ đều có giá 1.000 Bolivar như thể nó dễ kiếm lắm vậy”, ông Pereira nói.
Ông Ildemaro Useche, Chủ tịch Hội Giáo viên Venezuela của bang Tachira, Andean nhận định: “Không ai quan tâm đến cấp bậc như giám đốc, phó giám đốc hoặc giám sát viên bởi vì điều đó đều là vô ích khi phải đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn trong khi mức lương như nhau”.
Các mức lương chênh lệch trong quân đội và ngân hàng của Venezuela cũng đã bị thu hẹp. Nhân viên ngân hàng trung ương Venezuela thậm chí đã gửi thư khiếu nại tới Chủ tịch Calixto Ortega.
“Hệ thống đang được triển khai không nhất quán, làm trầm trọng thêm tình hình cho các nhân viên đang làm việc và đã nghỉ hưu”, Reuters đưa tin.
Ngân hàng trung ương Venezuela không có bình luận gì về điều này.
Bên cạnh đó, Tại Bộ Dầu khí, tất cả các nhân viên hiện đang được trả mức lương tối thiểu, 2 nhân viên của bộ này tiết lộ.
Hơn nữa, tại công ty dầu mỏ quốc gia (PDVSA), công nhân nói rằng tiền lương mới vẫn chưa được công bố và thay vào đó, công ty đã trả một lần tiền thưởng, lãnh đạo công đoàn Jose Bodas và hai nhân viên tại đây chia sẻ.
Bộ Dầu khí và PDVSA cũng đã không đáp lại yêu cầu đưa ra bình luận.
Hồng Vân
Theo Reuters