Fica
  1. Quốc tế

Cuộc chạy đua giành ảnh hưởng trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được cho là cuộc chạy đua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhằm giành vị thế thống trị trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trên toàn cầu.

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Reuters)

Theo Giáo sư kinh tế Lawrence J. Lau tại Đại học Hong Kong Trung Quốc, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là về thương mại. Cuộc chiến này đang được thúc đẩy bởi hai yếu tố dài hạn quan trọng xảy ra đồng thời trong quan hệ Mỹ - Trung. Yếu tố thứ nhất là sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington để giành vị thế thống trị về kinh tế cũng như công nghệ trên toàn thế giới. Yếu tố thứ hai là sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới nói chung và tại Mỹ nói riêng.

Cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục diễn ra. Nó bắt đầu từ trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và thậm chí sẽ kéo dài tới cả khi ông đã rời nhiệm sở. Cuộc cạnh tranh này đang ngày càng “nóng” hơn khi GDP của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể, từ mức chỉ bằng 20% so với GDP của Mỹ hồi năm 2000 lên bằng 2/3 GDP của Mỹ vào năm ngoái và có thể sẽ đuổi kịp mức GDP của Mỹ trong thập niên 2030 nếu xu hướng tăng trưởng như hiện nay vẫn tiếp diễn.

Trung Quốc có thể đuổi kịp mức GDP của Mỹ vào một ngày không xa, tuy nhiên mức GDP trên đầu người lại là một câu chuyện khác. Năm 2017, GDP bình quân đầu người của Mỹ đạt xấp xỉ 60.000 USD, trong khi con số này tại Trung Quốc chỉ đạt 9.137 USD. Như vậy, Trung Quốc có thể sẽ phải dành toàn bộ số năm còn lại trong thế kỷ 21 để lấp đầy khoảng cách này với Mỹ.

Sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là điều khó tránh khỏi. Tuy vậy, cạnh tranh không có nghĩa là hủy diệt lẫn nhau. Chẳng hạn, sự cạnh tranh trong việc tạo ra siêu máy tính nhanh nhất thế giới có thể dẫn tới việc cả hai nước cùng cho ra đời những chiếc máy tính tốt hơn với tốc độ nhanh hơn. Trong cuộc đua về siêu máy tính năm nay, siêu máy tính IBM Summit của Mỹ đã đánh bại Sunway TaihuLight - một siêu máy tính của Trung Quốc từng xếp vị trí số một trong top 500 siêu máy tính năm 2016 và 2017.

Khi bàn tới cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng cần tính tới từng lĩnh vực cụ thể. Nếu so sánh về số lượng đầu đạn hạt nhân, Mỹ chắc chắn bỏ xa Trung Quốc. Tuy nhiên đây không phải là lĩnh vực cạnh tranh mà Trung Quốc muốn giành chiến thắng trước Mỹ. Trong khi đó, nếu Bắc Kinh và Washington chạy đua với nhau để tìm ra phương thức hiệu quả để điều trị bệnh ung thư, đây sẽ là cuộc cạnh tranh có lợi cho cả hai nước và thậm chí cho cả thế giới.

Cuộc cạnh tranh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi tại Washington về vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và đánh cắp trên mạng. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn luôn quan ngại về việc các công ty của Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và ép các công ty của Mỹ chuyển giao công nghệ như điều kiện tiên quyết để hợp tác. Việc chuyển giao công nghệ là yêu cầu bắt buộc của chính phủ Trung Quốc đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài trong một số ngành nhất định nếu các nhà đầu tư này muốn trở thành đối tác kinh doanh bình đẳng với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm các dự án đầu tư xuyên quốc gia, vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia và cạnh tranh về công nghệ. Trong khi chính quyền Mỹ khuyến cáo không sử dụng các sản phẩm của hãng điện thoại Huawei Trung Quốc vì các lý do an ninh quốc gia, chính phủ Trung Quốc cũng cho rằng việc trông cậy vào các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Xu thế bảo hộ

Chính quyền Mỹ từng cảnh báo về nguy cơ an ninh từ điện thoại Huawei của Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Chính quyền Mỹ từng cảnh báo về nguy cơ an ninh từ điện thoại Huawei của Trung Quốc (Ảnh: AFP)

Sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa bảo hộ tại Mỹ và một số quốc gia khác đã có tác động đáng kể tới thương mại và đầu tư trên toàn thế giới. Mặc dù Tổng thống Trump không phải là người “khai sinh” ra các xu hướng này, song ông là người khai thác triệt để chúng và nhắm mục tiêu tới Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ luôn cho rằng Washington không được hưởng lợi nhiều từ quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đồng thời chỉ trích Bắc Kinh đang thực hiện các chính sách thương mại không công bằng khiến Mỹ thâm hụt hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Nguyên nhân sâu xa dẫn tới các xu hướng trên là sự phân bổ không công bằng các lợi ích của toàn cầu hóa. Trong khi toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia, song những lợi ích đó không được chia đều trên toàn cầu và những người thua thiệt sẽ cảm thấy bất mãn khi họ bị tụt hậu hàng chục năm. Những người này tin rằng việc quay lại chủ nghĩa bảo hộ sẽ giúp họ thu hẹp khoảng cách, song thực chất tất cả đều sẽ thua thiệt.

Tổng thống Trump tin rằng mọi thỏa thuận đều là trò chơi tổng số bằng 0 (zero-sum game), nghĩa là một quốc gia được lợi thì quốc gia khác sẽ bất lợi. Do vậy, Mỹ muốn giành lợi thế nhiều hơn bằng cách đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương với từng quốc gia, trong đó tận dụng quy mô và sức mạnh của Mỹ trên bàn đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng muốn thay đổi các cơ chế hợp tác thương mại hiện thời từ đa phương sang song phương để đảm bảo lợi ích của Mỹ.

Trung Quốc và các nước còn lại trên thế giới, ngoại trừ Mỹ, có thể sẽ tiếp tục ủng hộ hệ thống thương mại đa phương theo Tổ chức Thương mại Thế giới. Họ từng được lợi và có thể sẽ tiếp tục được lợi từ cơ chế này. Tuy nhiên, quan hệ thương mại Mỹ - Trung có lẽ cần được kiểm soát cẩn trọng để có thể tiếp tục phát triển trong tương lai.

Thành Đạt

Theo SCMP