OPEC và các đồng minh tiếp tục đứng trước thách thức giá dầu giảm sâu vì ảnh hưởng của Corona lên nhu cầu dầu thô của toàn cầu.
Trực tiếp nhất, Trung Quốc, đất nước bùng phát dịch là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi toàn bộ hoạt động sản xuất bị đình trễ đến giữa tháng 2. Kéo theo đó nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc giảm 20%, tương đương 3 triệu thùng/ngày trong suốt thời gian dịch bệnh lan rộng.
Chuyên gia phân tích từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lưu ý rằng, Trung Quốc là đất nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, chiếm đến 14% tổng nhu cầu của thế giới.
Với sự ảnh hưởng của Trung Quốc, hoạt động kinh tế toàn cầu cũng lần lượt bị ảnh hưởng khiến nhu cầu dầu thô được ANZ dự báo giảm 1,6 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm. Dù được kỳ vọng sẽ hồi phục nửa cuối năm nhưng tổng cộng nhu cầu dầu cả thế giới dự báo giảm 0.3 triệu thùng/ngày cho cả năm 2020.
Trong cuộc gặp gần nhất, OPEC và các nước đồng minh đã không thông qua được thỏa thuận cắt giảm sản lượng khi như thường lệ Saudi Arabia và Nga không đồng ý với các kế hoạch của nhau.
Trong khi Saudi Arabia kỳ vọng một mức cắt giảm lớn – được kỳ vọng lên đến 1,5 triệu thùng/ngày từ mức hiện tại 1,2 triệu thùng/ngày thì Nga chỉ muốn duy trì chính sách hiện tại. Sự khác biệt của 2 nước dẫn đầu 2 khối cho thấy OPEC sẽ gặp khó khăn trong việc thuyết phục các bên thông qua thỏa thuận mới. Khối OPEC – dẫn đầu là Saudi Arabia luôn tuân thủ tốt thỏa thuận của mình. Trong khi khối ngoài OPEC – dẫn là là Nga hiếm khi nào đạt được mức cắt giảm.
Nhóm các nước OPEC thực hiện cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày từ cuối năm 2016 và kéo dài đến cuối 2018. Sau thời gian này, OPEC chỉ cần cắt giảm khoảng 0,8 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, hiện các nước OPEC đang cắt giảm nhiều hơn so với thỏa thuận, dẫn đầu là Saudi Arabia.
Saudi Arabia là nước dẫn đầu trong cắt giảm sản lượng khối OPEC với sản lượng cắt giảm khoảng 0,5 triệu thùng/ngày so với mức 0,48 triệu thùng/ngày. Cho dù từ cuối năm 2018, thỏa thuận mới chỉ yêu cầu OPEC cắt giảm ở mức sản lượng thấp hơn nhưng sản lượng sản xuất của Saudi Arabia vẫn thấp hơn so với trước đó.
Các nước ngoài OPEC thực hiện cắt giảm 0,55 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2018 và hiện chỉ còn 0,4 triệu thùng/ngày. Có thể thấy trong giai đoạn đầu, các nước ngoài OPEC không tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận và chỉ thực hiện tốt hơn từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc tuân thủ không được dẫn dắt bởi Nga.
Mục tiêu của Nga là cắt giảm 0,3 triệu thùng/ngày để duy trì mức sản xuất khoảng 11 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, phần lớn thời gian Nga không đạt được mục đích đề ra.
Có thể thấy Saudi Arabia rất tích cực trong việc tuân thủ chính sách cắt giảm sản lượng, trái ngược với Nga. Với giá dầu hiện tại, Saudi Arabia có nhiều động lực để thúc đẩy thỏa thuận cắt giảm nhằm hỗ trợ giá dầu hơn khi ngân sách của quốc gia này được xây dựng dựa trên giá dầu trung bình 58USD/thùng.
Với diễn biến giá dầu hiện tại ~ 50 USD/thùng, Saudi Arabia có thể hy sinh một phần nhỏ sản lượng để kỳ vọng thúc đẩy giá dầu đạt mức tăng lớn hơn phần sụt giảm sản lượng. Từ đó, đạt được những mục tiêu ngân sách đề ra từ đầu năm.
Mai Chi